Thứ Sáu, 2 tháng 3, 2018

Nghề Dệt cổ truyền quê tôi

Nghề Dệt cổ truyền quê tôi

nghedet1.jpg

Ai đã có lần ghé qua vùng quê Bảo An - Xuân Đài (nay thuộc xã Điện Quang, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), thì thế nào cũng được nghe câu hát “chua” đầy ẩn ý mỉa mai, mà thực ra không phải như vậy:

“Tiếng đồn con gái Bảo An,
khéo mua vải sợi về đan mành mành”.

Mãnh vải có đến nổi sưa như tấm mành mành, mà người ta dùng để ngăn chận bầy gà nhảy vào bươi chải vồng cải, luống rau hay không?

Không đâu! Đó là lối khen tặng hơn là chê bai. Các cô gái thợ dệt ở làng Bảo An khéo tay lắm đó. Mặt vải khi vừa mới dệt sưa rích. Nhưng sau khi đem hồ và ghè đập, sợi chỉ sẽ mềm ra nhuyển mượt trông rất đẹp mắt. Khách mà lựa chọn thấy vừa ý liền, không còn do dự chút nào. 
Vào thời xưa kia, nghề dệt vải và lụa ở quê tôi thuộc phạm vi trong một gia đình riêng rẻ, lẻ loi. Nghề dệt được truyền lại từ đời nầy qua đời nọ. Làm sao quên được hình ảnh thân yêu, khi mọi người quây quần cùng nhau làm việc dưới cùng một mái nhà đầm ấm sum vầy: Cha ngồi bên xa quây vải, cần mẫn quây sợi vào ống. Mẹ trên khung cửi nhịp nhàng đưa thoi, hòa hợp cùng với tiếng kêu cót két của con ác. Chị thì suốt chỉ không ngừng tay. Và em giúp mẹ nhặt chiếc thoi rơi, đôi khi còn chạy vào bếp lấy thanh củi cháy, cho cha mồi điếu thuốc. Thật là một hình ảnh sinh động trong một gia đình đầm ấm, sum vầy. Nơi đây hoài bảo của người viết, không ngoài mục đích truy nhớ đến công ơn của Tổ Tiên, đã giàu công truyền dạy nghề dệt cổ truyền ở quê mình. 

Các vùng đất tốt, thịt hay cát pha vùng Quảng Huế, Phú Bò, Bảo An, Bàn Lãnh, Đông Bàn… thường thấy người ta gieo trồng cây bông vải. Cây bông vải là một loại cây kỷ nghệ, trồng để lấy sợi dệt vải, đáp ứng nhu cầu may mặc cho con người: mát da về mùa hạ, giữ ấm về mùa đông lạnh lẽo, gió bấc mưa phùn, lụt lội triền đến mấy tháng liền.

Mùa xuân khí hậu mát mẻ, rất thích hợp cho cây bông vải phát triển đơm bông kết trái, để đến đầu mùa hạ trái nở rộ, phơi màu trắng xóa trên các cánh đồng rộng thênh thang. Chuẩn bị cho mùa gieo cây bông rất chu đáo: cày bừa cho đất nhuyển thục, sạch sẽ cỏ dại và sau đó mới rải phân tro đầy đủ. Sau đó người ta bắt đầu lên thành từng luống, chừa rãnh để thoát nước giữ cho cây bông không bị chết ngập. Hạt giống để gieo cũng lo chuẩn bị trước, ngâm nước nóng hâm hẩm qua đêm, ngày hôm sau vớt ra cho vào tro chà xát để tách rời từng hạt, không dính chùm với nhau dễ dàng vải đều trên mặt đất. Một tuần lễ sau cây bông con mọc nhô lên, lúc ban đầu có hai lá yếm trông xinh xắn như chiếc dù nhỏ xíu. Đợi cho cây bông con lớn đôi chút, người ta nhổ tỉa bớt, chừa cây nọ cách cây kia xa nhau 3 tấc. Sau vài ba lần săn sóc cuốc cỏ, tém đất vun gốc, từ từ cây bông dần dà lớn lên, nẫy sinh nhiều nhánh con và cao không quá đầu gối bắt đầu ra hoa, nhìn vào đám cây bông cũng đủ màu sắc: trắng, vàng, tím, rất đẹp mắt, không thua kém loại hoa trồng kiểng bao nhiêu. Khi hoa tàn rụi, trái bông non lộ ra bên trong cuống, lần hồi lớn dần lên và lớn hết cở to bằng quả cau điếc. Sát cuống là đài hoa có bốn tai ôm sát trái bông, đến khi già bốn tép bông nở tung ra phơi bày một màu trắng tinh, mượt mà, mềm mại. Đến mùa hái bông, người ta ra đồng từ tờ mờ sáng tinh sương, khi đó đài bông còn ướt, không bị gãy dính vào múi bông rất khó gỡ ra khi lặt bông. Cây bông ra trái từng đợt, trái nào nở người ta mới hái, mỗi lần vài ba trái, lần cuối cùng trái nhỏ dần và lúc nầy thân cây cũng tàn rụi, thu nhặt gánh về phơi khô dùng làm củi, nấu bếp cũng hữu dụng.
    Bông trái thu về, gỡ lấy múi bông ra khỏi đài và đem phơi nắng cho thật khô. Dùng xa cán để loại bỏ hết hạt, trước khi qua giai đoạn làm tơi gọi là bắn bông. Người ta dùng một cành cung, làm bằng gỗ thật dẻo căng bởi sợi dây cung tre vót tròn, hai đầu dún lại để cột vào hai đầu cành cung. Công việc bắn bông làm như thế nầy: bỏ một số lượng bông vừa đủ lên mặt bàn, tay trái cầm cành cung đưa dí dây cung vào mớ bông đó, tay phải cầm một thẻ tre mõng đánh bật vào dây cung liên hồi, nghe bưng bực, bưng bực… khi nào thấy nhã bông đã toe toét, phồng lên như có thể bay lên được mới thôi. Ngắt lấy một ít bông bắn xong, bỏ trải dài trên mặt bàn, đặt lên đó chiếc đủa làm nòng và xe tròn thành con cúi mập nõn nà. Có được con cúi sẽ kéo thành sợi qua chiếc xa kéo vải.

Đế xa gồm hai thanh gỗ ghép hình chữ T, chỗ giao điểm dựng lên một trụ đứng cao 4 tấc, nơi đây gắn một vành xa có thể quây chạy vòng tròn. Đầu chân chữ T cũng dựng lên một trụ khác bề cao 2 tấc, trên đầu trụ lắp một trục nằm ngang, trục nầy quây tròn được nhờ bộ phận dây trân, nối chuyền từ vành xa tới rãnh mương của trục. Đầu trục còn lại cắm vào đoạn kèo dù, đầu nhọn đưa ra bên ngoài gọi là con quay. Từ đầu con quay, người ta vê con cúi lấy ra mối chỉ và tra vào đầu con quay, bắt đầu kéo vải. Dùng tay phải quây vành xa, đồng thời trục con quay cũng quây theo, tay trái cầm con cúi từ từ kéo ra, dài tới đâu trục con quay đánh săn tới đó. Khi đã kéo ra hết tầm tay, đưa cánh tay lên cao và quây vào trục thành hình búp chuối, đầu nhọn bên ngoài. Cứ thế mà kéo ra quây vào, hết con cúi nầy nối con cúi khác cho đến khi đầy một búp chỉ no tròn. Công việc kéo vải, thường dành phần cho trẻ con, hay đàn bà con gái. Tuy vậy, phải có tay nghề giỏi, mới kéo được sợi chỉ trơn tru nhỏ đều hân hấn, bán chạy đắt hàng. Có được búp chỉ rồi đem sang thành chẻ vải, gọi là vải bạch còn bở lắm, phải được ngâm nước lạnh một hai đêm (nước ngâm vải thối lắm). Sau đó giặt xả sạch sẽ, trải từng chẻ vải ra và rắt cơm gạo trắng đã ngâm nước vào, bỏ mớ chẻ vải đó lên miếng đá bằng phẳng, dùng đôi bàn chân đạp nghiền cơm nát bấn, thấm săn quánh vào sợi chỉ trở nên bền chắt hơn. Đến đây người ta lồng hai cánh tay vào chẻ vải, giựt giựt cho từng sợi vải rời ra, rồi đem móc vào cây sào phơi khô ngoài trời nắng. Chẻ vải khô rồi đem cài vào cuồn, đặt lên chiếc quạng và từ đó dùng xa quay để quây thành ống vải múp rụp, hai đầu không bằng nhau, làm như thế khi đặt ống vải thẳng đứng, sợi chỉ kéo lên trơn tru dễ dàng. Khi đủ số lượng ống vải cần thiết, tiếp theo là công việc mắc cửi. Vị trí mắc cửi phải có độ dài 10 – 15 – 20 thước, người ta thường mắc cửi ngoài trời hơn là trong nhà không đủ chiều dài. Ở đầu nầy người ta đặt một bàn cọc, có một số cây cọc con cần thiết, đóng thành hai dãy song song, cây nọ cách cây kia 1 tấc. Các cây cọc đó dùng để giữ cho các ống vải khỏi bị nhào ngã, khi mắc cửi. Bên trên bàn cọc đặt một cây quyết bắt ngang trên cao vừa tầm người vớ, cây quyết có nhiều lỗ khoen do sợi mây cám xỏ ngoằn ngoèo, uốn cong mà thành. Bên cạnh bàn cọc xa khoảng 5 tấc, đặt thêm một bàn lược có một hàng dọc cây chực con đều nhau cách khoảng  8 phân, bàn lược giữ chặt nhờ hai cây cọc đóng ở hai đầu. Ngang hàng bàn lược nầy đóng thêm hai cây chực thầy thật to và trơn tru, dùng để móc chùm canh chỉ vào đó khi bắt nhịp, cài lông mốt âm dương. Đầu đàng kia, tùy theo khoảng cách ấn định, đặt thêm một bàn lược nữa, giống như bàn lược trước và cũng phải giữ cố định bất di dịch. Khởi sự công việc mắc cửi, người thợ chính lần lượt kéo hai sợi chỉ canh từ ống vải lên, một sợi ở hàng cọc phía trước và một sợi ở hàng cọc phía sau nối lại với nhau, xỏ qua một lỗ cây quyết. Sau khi nối xong các mối chỉ như thế, đem tất cả móc vào cây chực con đầu tiên ở bên phải của bàn lược, tiếp tục kéo chùm chỉ dài ra, trao cho người phụ kéo dài đến bàn lược đầu đàng kia, cũng khởi đầu móc vào bên phải. Khi thấy người phụ mắc xong, người thợ chính tiếp tục móc chùm chỉ vào cây chực con kế tiếp và cũng trao cho người phụ làm công việc như trên, cho đến khi nào hết tất cả các cây chực con trên bàn lược. Tới đây dùng mực hay lá mướp vò nát, bôi vào canh chỉ tại tất cả cây chực con, việc đánh dấu nầy sẽ giúp cho người thợ dệt biết chừng đủ độ dài của cây vải sau nầy (dấu nầy nằm bên biên khổ vải). Đến đây là lúc bắt nhịp đi trở lại, gài âm dương. Người thợ chính dùng ngón tay trỏ phải lần lượt bắt ngoéo tréo các sợi canh chỉ, từ phải qua trái, đem móc vào cây chực thầy đóng ở bên cạnh, kéo chùm canh chỉ đi trở lại theo hình số 8 hở, không để nhập lộn vào đường đi tới, nhờ có cây chực thầy đóng ở phía sau phân tách ra. Tất cả những lần đi trở lại, nên nhớ móc ngược chiều với lần đi tới. Công việc lặp đi lặp lại cho đến khi nào đủ số canh chỉ cho khổ vải (khoảng 5 tấc) và chấm dứt ở cây chực con đầu tiên. Mỗi lần móc qua cây chực thầy, người thợ móc trải dài từ dưới lên trên, nhờ thế sẽ dễ dàng xỏ khổ sau nầy. Khi nào thấy đủ khổ vải rồi, người ta lấy chùm canh chỉ ở cây chực con đầu tiên ra, lồng vào cây tiến rồi tra vào một chiếc xa quây có cuồn thật lớn, lần lượt quây hết phần canh chỉ vừa mắc xong vào xa, khóa thăng gài để đó chuẩn bị xỏ chỉ vào khổ. Dựng một cái khổ thẳng đứng gần cây chực thầy, bắt đầu cắt sợi chỉ ra, xỏ từng sợi chỉ qua khe khổ liền nhau nhờ cái lông nhím, và nối lại với nhau, lồng vào cây nẹp bằng tre để giữ lại. Xâu chỉ xong nhỗ cây chực thầy phía trước, thay cây chực thầy phía sau bằng miếng nẹp khác gọi là cái tiến, giữ phần âm dương. Đem cây nẹp gài vào trục cửi, trải đều mặt canh chỉ ra trên trục và đặt lên bộ giàn quây khác, bắt đầu công việc chải cửi. Người thợ cũng dùng cái lông nhím, để tách rời các sợi chỉ dính chùm lại với nhau, vừa chải vừa đẩy cái khổ di chuyển đi trước, theo sau cây tiến trong suốt thời gian chải cửi. Chải xong đoạn nào quây trục quấn vào, vì hai bên triên thường hay bị dùn nên chi người ta phải dùng lá đa hay lá mù u phơi khô, xấp gấp đôi để lót chằng, giữ cho trục cửi thẳng đều. Tiếp theo chuẩn bị bắt go. Bộ go gồm hai lá, mỗi lá go được làm bằng hai thanh tre nhỏ dài lối chừng 7 tấc, và sợi chỉ go thật dài dùng để thắt vào thẻ tre thành những dãy khoen, có độ dài 10 phân, đặt cho hai dãy khoen nầy giao nhau 6 phân (đây là độ hả để chiếc thoi chui lọt qua). Xen kẻ cách khoảng những khoen 10 phân, còn có những khoen 7 phân, những khoen nầy có từng đôi nối chuyền với nhau và không dùng xỏ sợi chỉ qua, như thế khi treo lá go lên có độ dài 14 phân. Treo bộ go vào cái giá và đặt sát trục cửi để bắt go. Hai người ngồi đối diện nhau, ở giữa là truc cửi và bộ go. Khởi sự, người ngồi bên trục cửi cắt đứt các đầu mối chỉ, tách riêng hai phần canh chỉ  âm dương ra nhờ cây tiến đã đặt từ trước. Người ngồi phía bộ go, dùng ngón tay trỏ phải, móc qua hai khoen go dưới và trên của lá go phía trước, chờ tiếp nhận một sợi chỉ ở phần âm từ bên trái của trục cửi, do người kia đưa cho. Kế tiếp người bắt go cũng làm như vậy ở lá go phía sau, bắt lấy một sợi chỉ ở phần dương. Cứ như thế lần hồi cho đến hết sợi canh chỉ cuối cùng. Sau khi bắt go xong, xỏ lại từng mối chỉ qua khe của cái khổ trở lại, nối các mối chỉ lại với nhau, chờ đưa lên khung cửi để dệt thành vải.
Khung cửi dệt có hình dáng như chiếc giường chiếc, đóng bằng gỗ cây mít tốt nhất, hai cặp chân trước cao hơn hai cặp chân sau. Ở về vị trí 1/3 phía trước của cặp thanh, dựng lên hai cây trụ cao 5 tấc, trên đầu cặp trụ nầy bắt qua một cây đòn trơn tru, để đở mặt canh giăng qua. Một hệ thống xy lanh ở phía trước nối liền với dãy khổ nhờ cặp giăng. Nhờ có hệ thống nầy mà dãy khổ có thể di động, nâng lên và dập xuống theo sự điều khiển của người thợ dệt. Phần trước khung cửi đặt trục cửi có thể quây được, phần sau cũng là chỗ ngồi dệt, gần chỗ ngồi về phía trước mặt có trục quấng vải dệt ra. Ngay chỗ ngồi, dưới chân có hai bàn đạp, có thể chuyển động tại đầu gót chân, tựa vào cây nòng sắt xỏ xuyên qua. Đầu mũi của hai bàn đạp có khoan lỗ sẵn, nối chuyền bằng 4 sợi dây lên bộ go. Trên đầu người ngồi, lắp ở đó một con ác bằng gỗ, có thể mổ xuống và ngất lên, theo nhịp đạp của hai bàn chân và cũng nối chuyền bằng 4 sợi dây từ bộ go lên đầu và đuôi con  ác. Người ta mang trục cửi đặt lên khung, kéo khổ canh căng qua đòn đở thẳng tới trục quấng, tra chiếc khổ vào dãy khổ, và móc bộ go vào chân bàn đạp thẳng đến con ác, tuần tự như sau: Phần dưới lá go phía trước móc chuyền đến bàn đạp bên phải, phần trên móc chuyền đến đầu mõ con ác. Phần dưới lá go phía sau móc chuyền đến bàn đạp bên trái, phần trên móc chuyền đến đuôi con ác. Đến đây căng néo bộ go cho thật thẳng để độ hả nhịp mới được chính xác, không bị vướng sợi canh chỉ khi dệt. Khi bắt đầu dệt, người thợ dùng bàn tay trái chống đở dãy khổ lên, tay phải cầm chiếc thoi, đạp bàn chân phải xuống, tức thì lá go phía trước kéo tất cả phần âm xuống, lúc nầy con ác chỗng đuôi lên, kéo theo phần dương của lá go phía sau lên, tạo ra độ hả nhịp để chiếc thoi được phóng qua từ tay phải, tay trái bắt lấy thoi đồng thời tay phải diều cho dãy khổ dập xuống. Tiếp theo tay phải chống đở dãy khổ, tay trái giữ lấy chiếc thoi, đạp bàn chân trái xuống, lá go phía sau kéo phần âm xuống, con ác ngất mõ lên, lá go phía trước kéo theo phần dương lên, tay trái phóng thoi qua trở lại, tay phải bắt lấy thoi, đồng thời tay trái diều cho dãy khổ dập xuống. Các động tác cứ thế mà lặp đi lặp lại, theo sự điều hợp nhịp nhàng giữa chân, tay và mắt của người thợ dệt, ròng rã suốt ngày đêm. Ngoài ra cũng còn vài công việc phụ như: cái suốt chỉ phải ngâm vào nước, vớt ra vắt cho ráo mới tra vào chiếc thoi để dệt, thỉnh thoảng còn dùng gùi vải ướt, thoa đều lên mặt khổ vải đang dệt, giữ cho mặt vải khỏi bị sượng nhăn nheo, và bên dưới còn có cặp giăng hình cung luôn luôn gài vào. Cây vải tháo ra từ trục, người ta còn phải phun hồ và cuộn tròn vào cây trục, xong rồi đặt trục vải lên miếng đá bằng phẳng, hai vợ chồng ngồi ở hai bên, mỗi người trên tay cầm chày, vừa đập vừa lăn tròn đều tay, tạo nên mặt vải dày mịn, mượt mà… Hàng vải dệt ra giữ nguyên màu trắng, hoặc nhuộm thành màu đen hay đà còn tùy thuộc vào giới tiêu thụ ưa thích. Cũng có thể dệt thành vải sọc dọc, rằn ca rô cũng không mấy khó khăn, bằng cách đặt xen kẻ ống chỉ màu vào giữa ống chỉ trắng, trong lúc mắc cửi và thay đổi chiếc thoi có suốt chỉ khác màu. Vải dệt như trên ở quê tôi gọi là vải ta, mặc rất mát dễ rút mồ hôi, khi làm việc nơi đồng áng, ruộng nương… Nhưng có điều bở lắm, mau rách và cũng không được đẹp cho mấy.  


Và đến đây xin mời trở về quê tôi qua hàng tơ lụa, có giá trị bền chắc nhiều hơn: “Sắc bùa là sắc bùa âu, năm ni năm mới trồng dâu để tằm. Sắc bùa là sắc bùa nằm, năm ni năm mới nuôi tằm ươm tơ. Sắc bùa… “. Đó là câu mở đầu chúc đầu xuân ngày tết, mà đoàn sắc bùa đi đến từng nhà, chúc cho gia chủ trúng mí tằm, làm ăn phát đạt thịnh vượng. Bởi vì nghề trồng dâu nuôi tằm ở thôn quê, nếu gặp thời vận thì có thể tạo thêm trâu bò, sửa sang nhà cửa khang trang, đẹp đẽ hơn: “Làm ruộng ba năm, không bằng trúng tằm một mí”. Nghề “để” tằm có lợi dữ như thế đó!
Vùng đất trồng cây dâu thích hợp nhất, thường dọc theo hai bên bờ sông. Các biền dâu Quảng Đợi, Giao Thủy, Mỹ Lược, Bến Đền…ngọn cao vút, lá xanh non mượt là nguồn làm thức ăn nuôi tằm thích hợp nhất. Hể nhà nông nào có nhà cửa rộng rãi, thoáng mát thì có thể dựng buồng nuôi tằm. 
Buồng nuôi tằm bao gồm một cái đuổi, đóng bằng gốc tre hay bằng gỗ, hình thức chỉ là cái kệ có nhiều tầng. Mỗi tầng đơn sơ chỉ võn vẹn hai cây thanh ngang và hai cây thanh dọc, nâng đở từng chiếc nong tằm trên đó. Bao che quanh đuổi bằng cái mùng vải thật rộng lớn, nhằm mục đích ngăn chận bầy ruồi lằn ưa sà vào cắn chích, gây bệnh cho con tằm có những chấm đen, sau nầy không làm được kén tốt. Gây giống bằng cách, người ta chọn lựa toàn những con kén giống cứng no tròn, bỏ vào giỏ dâu, gài nắp cẩn thận đem cất giữ nơi cao ráo, mát mẻ. Kén giống sau 3 ngày sẽ lộn thành nhộng, múp đầu múp đuôi. Đời sống của nhộng trong vòng 7 ngày sẽ hóa thành bướm. Bướm dùng miệng cắn quanh một vòng tròn ở đầu kén, để chui ra ngoài. Đây cũng là một đặc điểm sinh tồn tự nhiên, chứ thực ra cái kén rất dai và bền vô cùng, dùng con dao bén ngọt mà cắt vỏ cũng khó đứt. Bướm sinh ra màu trắng ngà, thân mình đầy lông măng và dính đầy phấn. Chúng nó có đôi cánh nhỏ, không bay được, chỉ bò quanh quẩn trong cái trẹt, nhịp nhịp đôi cánh xê dịch gần xa để tìm nhau đực cái thụ tinh. Khi nào thấy bướm cái đã đạt được mục đích, người ta lựa riêng bướm cái ra, đem bỏ vào cái trẹt có lót giấy mềm mỏng dễ hút nước, thường dùng giấy viết chữ Nho tốt nhất. Bầy bướm cái bò lui, bò tới hay lòng vòng đẻ từng dãy trứng dính liền với nhau trên mặt giấy. Người ta cuộn tròn mặt có trứng vào bên trong, cột dây lại và treo trên trần nhà, đề phòng chuột, thằn lằn phá hại. Bảy ngày sau, trứng bướm nở ra tằm con nhỏ li ti, màu đen xam xám, mình mẫy có nhiều lông con nho nhỏ. Dùng cái lông gà quét phủi hết tằm con vào chiếc nia, bắt đầu săn sóc trông nom từng giờ, cả ngày lẫn đêm. Lúc đầu tằm chỉ ăn được lá dâu non, xắt nhỏ như sợi thuốc rê, mỗi lần cho ăn người ta rải đều lá dâu xắt phủ kín lên mình tằm, bắt được mùi lá dâu, tằm con đua nhau ăn rất nhanh, xong rồi nằm nghỉ và lại ngẩn đầu lên chờ ăn đợt kế tiếp… Mỗi ngày cần làm phân cho tằm 2 lần, bằng cách cuốn lớp mặt có cả tằm lẫn một ít lá dâu lấy ra, chừa lại phần phân hạt tròn nhỏ xíu cùng lá dâu thừa bên dưới. Dùng chiếc nia khác mà sang tằm qua, tiếp tục cho ăn đến ngày thứ 4, tằm không ăn nữa và ngủ liền trong 24 giờ. Đây là thời kỳ tằm con thay da và rụng hết lông con. Tằm thức dậy, tiếp tục cho ăn lá dâu xắt lớn hơn, trong vòng 7 ngày nữa, tằm lại ngủ trở lại 24 giờ. Thời kỳ nầy gọi là tằm ăn mốt, con tằm lớn dần to bằng ruột cây viết chì. Tằm ăn hai thức dậy, có thể ăn nguyên lá dâu, cho ăn tiếp tục 2 ngày ½ nữa, tằm lại ngủ trở lại cũng 24 giờ.
Tằm ăn ba, bây giờ tằm ăn được lá dâu già hơn, cho ăn như thế trong vòng 3 ngày nữa, tằm lại thôi ăn và ngủ tiếp 24 giờ. Sau thời kỳ ăn ba, cho tằm ăn cả cọng dâu cũng được. Nhìn vào nong tằm, thấy chúng nó ăn rất nhanh và khỏe, ghé tai gần nong tằm nghe được rõ ràng tiếng tằm ăn rào rạo. Bởi lẽ đó, nhà nuôi tằm thường trầm trồ, khen lấy khen để: “ăn như tằm ăn lên”. Sướng mắt quá! Mỗi lần lên tuổi, tằm lớn lên thấy rất rõ, biến dần màu trắng ngà, người ta phải phân chia, sang ra thành nhiều nong, tránh được tình trạng nục, chật chội làm tằm chậm lớn và sinh bệnh. Lúc nầy là lúc nhà nuôi tằm bận rộn nhất, nào lo chạy hái cho đủ số lá dâu cung ứng, suốt trong 7 ngày ròng rã của giai đoạn chót: “trăm dâu, đổ đầu tằm”, nào lo cậy mượn hàng xóm chuẩn bị làm bủa, và nhất là thao thức trông chờ thành quả, mí tằm không phải đem đổ đi vì mắc bệnh. Vất vả như thế, cho nên người ta mới nói rằng: “làm ruộng ăn cơm nằm, làm tằm ăn cơn đứng”. 
Trước hai ngày chín rộ, nhìn vào nong tằm thấy lác đác có một ít con tằm chớm ướm vàng, gọi là Tin (báo hiệu). Đến ngày cuối cùng, tất cả nong tằm chín ửng vàng, óng ánh chất tơ bên trong bụng vàng khè. Cả loạt lớn đều một lứa, to bằng cây bút chì và dài lối 3 phân tây. Tằm chín sẽ làm ra cái kén trên tấm bủa. Người ta dùng hom dâu hay cây rang núi phơi khô giũ sạch lá, đem sắp thành hai lớp bỏ ngang bao bọc một lớp bỏ dọc ở giữa. Thêm vào đó còn có nhiều cây róng dọc cột nẹp lại với nhau, giữ cho tấm bủa được cứng cáp. Bủa còn có một đòn khiêng ở giữa, để dễ di chuyển vì cũng khá nặng. Đặt tấm bủa nằm nghiêng 45 độ, ngoài trời hanh nắng nhờ có cặp nạng chống ở hai đầu. Người ta đem số tằm chín rải đều lên trên mặt của bủa, tằm bắt đầu nhả tơ xấu ra trước để gầy tổ bên ngoài và tiếp tục nhả tơ tốt làm tổ cho đến khi hết tơ trong bụng là xong tổ kén. Đôi khi trời nắng nóng quá, người ta phải di chuyển tấm bủa vào chỗ có bóng mát, tránh tình trạng tằm chết vì cháy nắng, ngược lại về chiều trời mát phải dùng nồi lửa than vùi tro, đặt phía dưới tấm bủa gây thêm hơi nóng, thúc giục con tằm làm kén mau hơn. Suốt ngày canh chừng lũ chèo bẽo, chim khách hay bầy gà thừa cơ sà xuống ăn càn. Chiều tối, khi nào thấy tằm trên bủa làm kén đến con cuối cùng, người ta xúm nhau khiêng hết các tấm bủa về nhà, nhặt gỡ lấy từng cái kén ra, bỏ dồn tất cả vào cái nong đặt trên cặp ghế ngựa dài, ngay giữa nhà. Bạn hàng đi mua kén (còn gọi đi hốt kén) xem xét lựa chọn loại kén nặng nhẹ, dày mỏng, tốt xấu mà trả giá cao thấp tùy theo từng loại. Kén hốt về phải đợi sau 3 ngày, tằm lộn thành nhộng, mới đem ươm lấy tơ, và còn được ăn con nhộng tươi ngon lành.

                                                                        
Muốn dệt lụa cần phải có tơ, công việc cũng không đơn giản đâu? Trước khi ươm tơ, công việc đầu tiên là kéo thao càng, thao kiệt. Đó là loại tơ xấu con tằm nhả ra trước tiên, lớp trong ¾ là loại tơ tốt nhất, óng ánh màu vàng tươi, hơi hơi đỏ tuyệt đẹp. Một hỏa lò đắp nổi đun vừa nóng hẩm nồi nước, khiến cho những cái kén nhả tơ ra dễ dàng. Bên cạnh lò đóng một cây cọc mà trên đầu có gắn một trục chỉ, làm trục quay kéo từng sợi chỉ thao đi qua. Tay phải người thợ cầm đôi đũa canh, tìm vớt lên một vài mối chỉ của cái kén rồi kéo lên móc vòng qua trục chỉ, tay trái dùng hai ngón trỏ và cái nắm lấy mối chỉ lôi lên từ từ, bỏ vào chiếc mũng trẹt, lớp nọ chồng lên lớp kia. Đôi đũa canh luôn luôn canh chừng, không cho cái kén chạy lên khỏi mặt nước và dính chùm lại với nhau. Cứ thế mà kéo hết phần xấu bên ngoài ra, đến lớp tốt dừng lại vớt ra ngoài, chuẩn bị cho phần việc ươm tơ. Phần sợi kéo ra từ lớp bên ngoài, sợi cứng thô kịch gọi là thao càng, dùng để dệt trủ đứng cá trong mùa nước lụt.
Phần sợi kế tiếp có phần mềm hơn, màu vàng nhạt gọi là thao kiệt, loại sợi nầy dệt thành hàng thông dụng, may quần đùi áo cánh, bền hết sức. Sau nầy còn dùng dệt hàng tuýt xo, may âu phục cũng thịnh hành một thời. Lò ươm tơ đặt ngay trong nhà ở, hay căn trại cất riêng tùy theo thuận tiện của mỗi gia đình. Lò đắp nổi bằng đất sét trộn rơm khô, bao bọc cái nồi ươm bằng đất thật to, miệng rộng đến 5 tấc. Cửa lò đắp loe ra, nhô lên cao để giảm hơi lửa nóng và nhất là tránh khói cho người thợ ngồi ươm tơ. Một chiếc xa ươm đặt sát bên lò, đóng bằng gỗ hình thức như cái củi đựng chén bát, xa ươm có hệ thống lan đều sợi tơ trên cuồn xa, nhờ có trục hình trụ đường kính 10 phân bề cao 15 phân dựng đứng, quây tròn cùng một lúc với trục bằng sợi dây trân nối chuyền. Cuồn xa được gắn từ trục nằm ngang, có 5 cánh xa chữ T cố định và một cánh chữ T có thể tháo ra được, khi cần tháo nén tơ ra khỏi cuồn. Đầu trục có gắn tay quây để quây cuồn xa chạy vòng tròn liên hồi. Cung cấp đủ số kén cho một lò ươm, phải cần vài ba người kéo sợi thao từ trước, chuẩn bị đầy đủ cho một lò ươm. Một người đàn bà ngồi trên chiếc ghế vuông thấp, trên tay cầm đôi đũa canh, bắt lên 3 mối tơ (mỗi mối tơ do vài ba con kén nhả sợi tơ nhập lại) xỏ qua 3 cái lỗ có hình dạng như đồng tiền, tiện bằng gỗ, nằm trên hệ thống xa ươm, sát bên trên miệng nồi ươm. Tiếp đến nối chuyền đến khoen lỗ cây lan can của hệ thống, thẳng tới cuồn xa. Một người con trai sử dụng cả hai bàn tay, đánh tới, kéo lui trên tay quây để cuồn xa quây tròn đều đều một tốc độ, 3 mối tơ chạy lên và lan đều trên cuồn thành 3 nén tơ. Quang cảnh thật vui nhộn với tiếng xa ươm nghe rè rè, xình xịch, hòa lẫn với tiếng hát hò khoan, đượm tình quê hương trong cảnh thanh bình, thịnh vượng. Đến trưa hay chiều tối mới xả một lần, vớt nhộng ra và thay nước mới. 
Ở miền quê món nhộng chiên mặn ăn với cơm rất thông dụng, quen thuộc mọi nhà, và món nhộng trộn với búp chuối sứ xắt nhỏ, hay tép bòng, xúc bánh tráng nướng là món thổ sản địa phương, ăn ngon miệng và mát dạ, mọi người đều ưa thich. Một số con nhộng lẫn trong mớ tằm nín, không tróc lớp vỏ bọc bên ngoài, bu dính chùm trong mớ xác xả, đem nấu bỏ muối mặn cho teo lại, các bà, các cô gỡ ra từng con, ăn ghiền còn hơn lể ốc gạo rất nhiều. Sợi tơ ươm ra cũng dệt giống như dệt vải. Nhưng là loại hàng sang trọng, màu vàng nhạt láng mượt rất thanh nhã, trông rất đẹp mắt và bền chắc lắm đó. Tuy nhiên, hàng tơ lụa không mấy thông dụng ở vùng thôn quê, vì thuộc loại hàng sang, đắt tiền, nên chỉ bán được cho giới giàu có, hoặc bán ra nước ngoài thu lợi nhuận nhiều hơn.
Ngày nay trên quê hương, không còn thấy một chiếc khung cửi cổ điển thô sơ nào nữa, nghề dệt cổ truyền mất hẳn. Thay vào đó, hàng loạt khung cửi máy ra đời, chiếm mọi ưu thế. Hàng vải, lụa, dệt ra vừa nhanh lại vừa đẹp và bền chắc dài lâu. Thỏa mãn nhu cầu đòi hỏi của giới tiêu thụ, và được ưa chuộng nhiều hơn. Còn đâu hình ảnh sinh hoạt linh động trìu mến ngày xưa: từ khi thấy người ta gieo trồng cây bông vải, cho tới khi dệt thành khổ vải đem may mặc, và cách thức người ta trồng dâu nuôi tằm, cho đến khi ươm tơ, dệt lụa… 

Tất cả đã lùi về quá khứ xa vời. Ôi! Chỉ còn lại kỷ niệm trong ký ức nhạt nhòa, và luyến tiếc một thời xa xưa, ăn sâu trong tiềm thức dĩ vãng đầy mến thương.
                                                                
 Đoàn Ngọc Nam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét