Thứ Bảy, 3 tháng 3, 2018

12 Khúc Chầu Văn Huế Rộn Ràng Lòng Người

HÒ GIÃ GẠO

Lý Nói Láo - Hoài Linh - Vân Sơn 12 Nụ Cười & Âm Nhạc

Về Hội An nghe Hát Hội Bài Chòi https://www.youtube.com/watch?v=_JaCzbV_8PY


https://www.youtube.com/watch?v=_JaCzbV_8PY

KÝ ỨC VỀ NHỮNG BÀI HỌC THUỘC LÒNG THỜI TIỂU HỌC

KÝ ỨC VỀ NHỮNG BÀI HỌC THUỘC LÒNG THỜI TIỂU HỌC
Dân miền Nam, những ai bây giờ chừng 50 tuổi trở lên, chắc đều nhớ rõ cách tổ chức độc đáo ở các lớp bậc tiểu học cách đây hơn bốn thập niên. Hồi đó, cách gọi tên các lớp học ngược lại với bây giờ, theo thứ tự từ lớn đến nhỏ. Lớp Năm là lớp Một ngày nay, rồi đến lớp Tư, lớp Ba, lớp Nhì, trên cùng là lớp Nhứt.
Lớp Năm, tức là lớp thấp nhất, thường do các thầy cô giỏi nhất hoặc cao niên, dồi dào kinh nghiệm nhất phụ trách. Sở dĩ như vậy là vì bậc học này được xem là vô cùng quan trọng, dạy học trò từ chỗ chưa biết gì đến chỗ biết đọc, biết viết, biết những kiến thức cơ bản đầu tiên, nghĩa là biến từ chỗ không có gì đến chỗ bắt đầu có.
Học trò, không phân biệt giàu nghèo, khi đến lớp chỉ được dùng một thứ bút duy nhất, là bút ngòi lá tre. Gọi là lá tre bởi vì bút có cái ngòi có thể tháo rời ra được, giống hình lá tre nho nhỏ, khi viết thì chấm vào bình mực. Bình mực, thường là mực tím, có một cái khoen nơi nắp để móc vào ngón tay cho tiện. Thân bình bên trong gắn liền với một ống nhựa hình phểu dưới nhỏ trên to để mực khỏi sánh ra theo nhịp bước của học trò. Khi vào lớp thì học trò đặt bình mực vào một cái lổ tròn vừa vặn khoét sãn trên bàn học cho khỏi ngã đổ. Bút bi thời đó đã có, gọi là bút nguyên tử, là thứ đầy ma lực hấp dẩn đối với học trò ngày ấy, nhưng bị triệt để cấm dùng. Các thầy cô quan niệm rằng rèn chữ là rèn người, nên nếu cho phép học trò lớp nhỏ sử dụng bút bi sớm, thì sợ khi lớn lên, chúng sẽ dễ sinh ra lười biếng và cẩu thả trong tính cách chăng.
Mỗi lớp học chỉ có một thầy hoặc một cô duy nhất phụ trách tất cả các môn. Thầy gọi trò bằng con, và trò cũng xưng con chứ không xưng em với thầy. Về việc dạy dỗ, không thầy nào dạy giống thầy nào, nhưng mục tiêu kiến thức sau khi học xong các cấp lớp phải bảo đảm như nhau. Thí dụ như học xong lớp Năm thì phải đọc thông viết thạo, nắm vững hai phép toán cộng, trừ, lớp Tư thì bắt đầu tập làm văn, thuộc bảng cửu chương để làm các bài toán nhân, chia… Sách giáo khoa cũng không nhất thiết phải thống nhất, nên không có lớp học giống lớp nào về nội dung cụ thể từng bài giảng.
Cứ mỗi năm lại có các ban tu thư, có thể là do tư nhân tổ chức, soạn ra những sách giáo khoa mới giấy trắng tinh, rồi đem phân phối khắp các nhà sách lớn nhỏ từ thành thị cho chí nông thôn. Các thầy cô được trọn quyền lựa chọn các sách giáo khoa ấy để làm tài liệu giảng dạy, miễn sao hợp với nội dung chung của Bộ Giáo dục là được. Tuyệt nhiên không thấy có chuyện dạy thêm, học thêm ở bậc học này nên khi mùa hè đến, học trò cứ vui chơi thoải mái suốt cả mấy tháng dài.
Các môn học ngày trước đại khái cũng giống như bây giờ, chỉ có các bài học thuộc lòng trong sách Việt Văn, theo tôi, là ấn tượng hơn nhiều. Đó là những bài thơ, những bài văn vần dễ nhớ nhưng rất sâu sắc về tình cảm gia đình, tình yêu thương loài vật, tình cảm bạn bè, tình nhân loại, đặc biệt là lòng tự tôn dân tộc Việt.
NGHỈ HÈ
Tác Giả: Xuân Tâm
Sung sướng quá, giờ cuối cùng đã đến
Đàn trai non hớn hở rủ nhau về
Chín mười ngày nhảy nhót ở miền quê
Ôi tất cả mùa xuân trong mùa hạ.
Một nét mặt trăm tiếng cười rộn rã
Lời trên môi chen chúc nối nghìn câu
Chờ đêm nay, sáng sớm bước lên tàu
Ăn chẳng được, lòng nôn nao khó ngủ.
Trong khoảng khắc sách bài là giấy cũ
Nhớ làm chi - Thâỳ mẹ đợi, em trông
Trên đường làng huyết phượng nở thành bông
Và vườn rộng nhiều trái cây ngon ngọt.
Kiểm soát kỹ có khi còn thiếu sót
Rương chật rồi khó nhốt cả niềm vui
Tay bắt tay hôn không chút bùi ngùi
Các bạn hỡi, trời mai đầy ánh sáng.
Tôi còn nhớ rõ trong sách Tân Việt Văn lớp Năm có bài học thuộc lòng thật hay về bóng đá mà hồi đó gọi bằng một từ rất hoa mỹ, là túc cầu:
TRẬN CẦU QUỐC TẾ
Chiều chưa ngã, nắng còn gay gắt lắm
Hai đội cầu hăng hái tiến ra sân
Tiếng hoan hô thêm dũng mãnh bội phần
Để cổ võ cho trận cầu quốc tế.
Đoàn tuyển thủ nước nhà hơi nhỏ bé
Nếu so cùng cầu tướng ở phương xa
Còi xuất quân vừa lanh lảnh ban ra
Thì trận đấu đã vô cùng sôi nổi.
Tiền đạo ta như sóng cồn tiến tới
Khi tạt ngang, khi nhồi bóng, làm bàn
Khiến đối phương thành rối loạn, hoang mang
Hậu vệ yếu phải lui về thế thủ
Thiếu bình tỉnh, một vài người chơi dữ
Nên trọng tài cảnh cáo đuổi ra sân
Quả bóng da lăn lộn biết bao lần
Hết hai hiệp và...đội nhà đã thắng
Ta tuy bé nhưng đồng lòng cố gắng
Biết nêu cao gương đoàn kết đấu tranh
Khi giao banh, khi phá lưới, hãm thành
Nên đoạt giải dù địch to gấp bội...
Bài học thuộc lòng này, về sau tôi được biết, lấy cảm hứng từ chiếc cúp vô địch đầu tiên và duy nhất cho đến bây giờ của Việt Nam tại Đông Á Vận Hội trên sân Merdeka của Malaysia vào cuối thập niên 50, với những tên tuổi vang bóng một thời như Tam Lang, Ngôn, Cù Sinh, Vinh “đầu sói”, Cù Hè, Rạng “tay nhựa”… Tuy không biết chơi bóng đá, nhưng thằng bé là tôi lúc đó rất thích bài học thuộc lòng này nên tự nhiên…thuộc lòng luôn. Càng đọc càng ngẫm nghĩ, đây đâu phải là bài thơ chỉ nói về bóng đá mà thôi. Nó là bài học đoàn kết của một dân tộc tuy nhỏ bé nhưng gan lỳ, bất khuất khiến cho cả thế giới phải ngước nhìn bằng đôi mắt khâm phục. Bạn thấy lạ lùng chưa, chỉ một bài thơ ngắn nói về một thứ trò chơi thôi, mà lại chứa đựng biết bao nhiêu điều vĩ đại mà những lời đao to búa lớn ồn ào chắc chi đã làm được.
Nói về môn Lịch sử, hồi đó gọi là Quốc sử, đã có sẵn một bài học thuộc lòng khác:
GIỜ QUỐC SỬ
Tác giả : Đoàn Văn Cừ
Những buổi sáng vừng hồng le lói chiếu
Trên non sông, làng mạc, ruộng đồng quê,
Chúng tôi ngồi yên lặng, lắng tai nghe
Tiếng thầy giảng khắp trong giờ Quốc sử.
Thầy tôi bảo: "Các con nên nhớ rõ,
Nước chúng ta là một nước vinh quang.
Bao anh hùng thưở trước của giang san,
Đã đổ máu vì lợi quyền dân tộc.
Các con nên đêm ngày chăm chỉ học,
Để sau này mong nối chí tiền nhân.
Ta tin rằng, sau một cuộc xoay vần,
Dân tộc Việt vẫn là dân hùng liệt.
Ta tin tưởng không bao giờ tiêu diệt,
Giống anh hùng trên sông núi Việt Nam.
Bên những trang lịch sử bốn ngàn năm,
Đầy chiến thắng, vinh quang và máu thắm”
Hình ảnh ông thầy dạy Sử trong bài học thuộc lòng hiện lên, nghiêm nghị nhưng lại thân thương quá chừng, và bài Sử của thầy, tuy không nói về một trận đánh, một chiến công hay một sự kiện quá khứ hào hùng nào, nhưng lại có sức lay động mãnh liệt với đám học trò chúng tôi ngày ấy, đến nỗi mấy chục năm sau chúng tôi vẫn nhớ như in.
Lại có bài song thất lục bát về ông thầy dạy Địa lý, không nhớ tác giả là ai, nhưng chắc chắn tựa đề là “Tập vẽ bản đồ”, phía lề trái còn in cả hình vẽ minh họa của Quần đảo Trường Sa và Hoàng sa:
Bài Học thuộc lòng
VẼ ĐỊA ĐỒ
Hôm qua tập vẽ địa đồ,
Thầy em lên bảng kẻ ô rõ ràng.
Ranh-giới vẽ phấn vàng dễ kiếm,
Từ Nam Quan cho đến Cà Mau.
Từng nơi, thầy thuộc làu làu,
Đây sen Đồng Tháp, đây cầu Hiền Lương.
Biển Nam Hải, trùng dương xanh thẳm,
Núi cheo leo, thầy chấm màu nâu.
Tay đưa mềm mại đến đâu,
Sông xanh uốn khúc, rừng sâu chập chùng...
Rồi với giọng trầm hùng, thầy giảng:
“ Giống Rồng Tiên chói rạng núi rừng,
Trải bao thăng giáng, phế hưng,
Đem dòng máu thắm, bón từng gốc cây.
Làn không khí, giờ đây ta thở,
Đường ta đi, nhà ở nơi này...
Tổ tiên từng chịu đắng cay,
Mới lưu truyền lại đêm ngày cho ta.
Là con cháu một nhà gìn giữ,
Đùm bọc nhau, sinh tử cùng nhau.
Tóc thầy hai thứ từ lâu,
Mà tài chưa đủ làm giàu núi sông !
Nên chỉ biết ra công dạy dỗ,
Đàn trẻ thơ, mong ở ngày mai.
Bao nhiêu hy vọng lâu dài,
"Dồn vào tất cả trí tài các con”
(Tác giả: Đặng Minh Trí.
Sách Tân Việt Văn - lớp Nhất 1967)

Haco Chi


Trang Thông tin của họ Hà

http://hatocquangnam.vnweblogs.com


https://hatocquangnam.blogspot.com/


Giới thiệu bản thân


Ảnh của tôi

http://hatocquangnam.vnweblogs.com
http://hatocquangnam.blogspot.com
http://hohaquangnam.wordpress.com'
Trang Thông tin của họ Hà 

https://www.facebook.com/haco.chi/posts/10209335713772373

https://www.facebook.com/haco.chi/posts/10209335713772373

BÀI CHÒI

BÀI CHÒI BÌNH ÐỊNH
"Rủ nhau đi đánh bài chòi
Ðể cho con khóc đến lòi rún (rốn) ra".
Các tỉnh miền Trung từ Quảng Ngãi đến Bình Thuận, đâu đâu cũng biết chơi bài chòi. Nhưng nhiều nhất là ở Bình Ðịnh, có thể nói, đây là cái nôi của trò chơi lý thú này. Cứ vào dịp Tết Nguyên đán, khắp miền quê, hội bài chòi được tổ chức trong khoảng thời gian dựng nêu, tức từ 30 tháng chạp đến mồn 7 Tết. Ðôi khi cuộc chơi kéo dài đến rằm tháng giêng âm lịch, tức từ Tết Nguyên đán đến Tết Thượng nguyên.
SỰ HÌNH THÀNH
Vùng đất Vijaya (Chiêm Thành) trở thành lãnh thổ Việt Nam từ năm 1471, dân các tỉnh phía Bắc vào định cư còn thưa thớt, nơi đây rừng núi rậm rạp đan xen với chuỗi đồng bằng nhỏ hẹp, việc trồng tỉa thường bị tàn phá bởi thú hoang. Trên những vạt đất khai khẩn, phải dựng nhiều chòi có người canh giữ, bảo vệ hoa màu. Ðể được an toàn, các chòi phải vững chắc, sàn cao quá tầm tấn công của mãnh thú và bố trí theo hình vuông, chữ nhật, hay hình thuẫn tùy theo địa hình để tiện thanh viện cho nhau. Trên mỗi chòi đều có thanh la, mõ, trống; khi thú rừng kéo đến, các âm thanh đồng loạt nổi lên rung chuyển cả rừng núi, dã thú dù gan lì đến đâu cũng phải khiếp sợ bỏ chạy và không dám bén mảng đến phá phách. Rồi có những đêm trăng thanh gió mát, đối cảnh sinh tình, giữa các chòi người ta dùng loa nói chuyện hay ca hát đối đáp nhau cho giải buồn, dần dần trở thành một mô hình sinh hoạt văn nghệ ở vùng nương rẫy.
Theo truyền thuyết, do nhiều nghệ nhân của tỉnh nhà, đơn cử như cụ Phan Ðình Lang tức là nghệ sĩ Bốn Trang, sinh năm 1910, người xã Nhơn Thành huyện An Nhơn, tỉnh Bình Ðịnh, kể lại rằng lúc cụ còn trẻ đã từng nghe ông nội, ông thân và nhiều bô lão truyền lại là chính Ðào Duy Từ (1572-1634), người Thanh Hóa vào lập nghiệp ở Bình Ðịnh, đã dựa theo mô hình văn nghệ ở các chòi canh miền núi mà sáng lập ra hội bài chòi. Ðáp ứng trình độ thưởng thức văn nghệ dân gian ngày càng cao, đến thế kỷ 20 người ta lập ra điệu hò để nâng cao nghệ thuật của bộ môn này. Ðiệu bài chòi theo nhịp hai, nên loại thơ lục bát, những bài vè và nói lối bốn chữ rất thích hợp với điệu bộ này. Người hô phải theo nhịp trống, nhịp sanh, có tiếng đàn tiếng kèn đệm theo, làm cho điệu hò thêm réo rắt, hấp dẫn. Người hô với chức năng quản trò, được gọi là "Hiệu". Tùy theo tuổi tác và giới tính, người ta gọi là "anh Hiệu", "chú Hiệu", hay "cô Hiệu", người này phải rành các điệu hát nam, hát khách, hát lý... thuộc nhiều thơ và ca dao, biết pha trò đồng thời ứng đối nhanh nhẹn.
Vậy bài chòi là lối đánh bài mà người chơi ngồi trên 9 cái chòi cất sẵn. Có nơi, để giản tiện người chơi bài ngồi trên ghế thay chòi, nên gọi là bài chòi ghế. Nhưng cả hai lối chơi bài này không có tính cách sát phạt, đỏ đen, mà chỉ nặng tính văn nghệ.
CÁCH TỔ CHỨC
Làng xã nào muốn tổ chức cuộc chơi bài phải tìm đến những gánh bài chòi nổi tiếng mới lôi cuốn được đông người tham gia và có thể kéo dài trong nhiều ngày. Vào thập niên 1930, ở vùng An Nhơn và Tuy Phước có gánh bài chòi Sáu Cóc được nhiều người hâm mộ hơn cả. Trong tỉnh có nhiều cô, chú Hiệu tài hoa, đến nay còn truyền tụng, như các chú Bùng, Ðốc, Kim, Kích, Miệt, Ngô Quang Thắng, Tuấn Phong, Tư Liên... và các cô Ðạm, Hương, Liễu, Nhảy...
Một gánh bài chòi có ban hô bài gồm một Hiệu chính và một hoặc hai Hiệu phụ, trong đó có đủ nam nữ thì diễn xuất mới linh hoạt. Ban nhạc thường chỉ gồm bốn người: một đàn cò, một kèn, một sanh, một trống chiến (nhỏ hơn trống chầu và lớn hơn trống tum, có dây mang trước ngực khi di chuyển).
1.- Hội Bài Chòi
Nơi tổ chức bài chòi thường ở sân đình, sân chùa hay sân chợ. Nói chung, nơi có khoảng đất trống bằng phẳng. Người ta cất 9 chòi, xếp chung quanh hình chữ nhật, mặt quay vào sân chơi. Tám chòi nằm dọc theo hai cạnh hình chữ nhật, mỗi bên bốn chòi, đối diện tương ứng nhau từng cặp một. Chòi trung ương ở giữa cạnh nắn hình chữ nhật. Cạnh bên kia, đối diện với chòi trung ương, là rạp hội đồng, dành cho ban tổ chức. Khoảng đất trống ở giữa là sân khấu trệt, có bốn mặt dành cho Hiệu; rạp và các chòi đều quay mặt vào sân này. Chòi được cất theo kiểu nhà sàn, trang hoàng đẹp đẽ, nền sàn cao quá đầu người, có thang lên xuống. Mái chòi lợp tranh hay lá dừa để che mưa nắng. Mặt sau và hai hông chòi che kín, chỉ chừa trống mặt trước. Mỗi chòi chứa được 4 hoặc 5 người. Trong chòi có một cái mõ và một khúc thân cây chuối hay bó rơm để người chơi găm con bài và cờ đuôi nheo. Chòi trung ương, lớn hơn cái chòi thường một ít, dùng trống thay mõ và dành riêng cho các vị có chức tước hay có uy tín trong làng muốn tham gia cuộc chơi, cũng có thể dành cho cặp vợ chồng mới cưới. Những khi không có khách đặc biệt thì người dân thường vẫn có thể ngồi chòi này.
Rạp ban tổ chức cũng có mái che mưa nắng, trang hoàng đẹp đẽ hơn. Các cột được bó lá ngâu hay lá đùng đình để tăng thêm vẻ trang trọng. Trong rạp kê một bộ phản ngựa rộng dành cho các hương chức và quan khách có địa vị ngồi. Ðầu phản đặt một cái trống chầu dùng làm trống lệnh để ban tổ chức điều khiển cuộc chơi. Bên cạnh bộ phản có đặt hàng ghế cho ban nhạc của gánh bài chòi ngồi hòa âm.
2.- Bộ Bài Chòi
Trong sân, trước rạp, chỗ Hiệu đứng hô bài, có đặt ống đựng bài. Ống bài là một khúc tre lớn, rỗng ruột, cắm lỏng trên một cái cột cố định để ống bài có thể lúc lắc được. Trong ống đựng 27 thẻ bài. Ðầu nằm trong ống, chân thẻ nhô ra ngoài và đật cao quá tầm mắt.
Con bài làm bằng tre, đầu trên bè ra để dán lá bài lấy trong bộ bài tới. Ðầu dưới là chân thẻ nhỏ tròn như chiếc đũa, vót nhọn. Các chân bài nhuộm nửa xanh nửa đỏ, giống hệt nhau để không phân biệt được.
Bộ thẻ bài chòi gồm 27 cặp, có tên như sau:
Pho VĂN: Nhất Gối, Nhì Bánh, Ba Bụng, Tứ Tượng, Ngũ Rốn, Sáu Xưởng, Bảy Liễu, Tám Miểng, Chín Cu.
Pho VẠN : Nhất Trò, Nhì Bí, Tam Quăng, Tứ Ghế, Ngũ Trượt, Lục Trạng, Thất Vung, Bát Bồng, Cửu Chùa.
Pho SÁCH: Nhất Nọc, Nhì Nghèo, Ba Gà, Tứ Xách, Ngũ Dụm, Sáu Hường, Bảy Thưa, Tám Dây và Cửu Ðiều.
Trên mỗi con bài không ghi tên con bài, chỉ vẽ hình như kiểu siêu thực, bằng mực đen, làm ký hiệu riêng cho mỗi con bài. Ðôi khi người ta rút 3 cặp bài bất kỳ, mỗi pho rút một cặp, thế vào đó 3 cặp Yêu, màu đỏ, có tên là Lão, Thang, Chi. Nếu Lão thì gọi Ông Ầm, Thang gọi là Thái Tử và Chi gọi là Bạch Huê. Miễn sao bộ thẻ bài chòi vẫn giữ y số ấn định là 27 cặp, chia đều mỗi pho 9 cặp. Ngoài 27 thẻ bài bỏ vào ống, còn 27 con bài cũng y như vậy, đem dán vào thẻ lớn. Cú 3 con bất kỳ dán chung vào một thẻ. Có 9 thẻ phát mỗi chòi một thẻ, nên thẻ lớn còn gọi là thẻ chòi. Cũng có nơi không dán chung 3 con bài vào một thẻ lớn mà vẫn dùng 27 thẻ nhỏ, y như 27 thẻ bài đã dùng trong ống để phân phát cho 9 chòi, mỗi chòi 3 thẻ bài. Như vậy, cả hai cách, mỗi bộ bài chòi phải có 27 cặp như đã kể trên, chia làm hai phần y nhau về số lượng và tên con bài. Một phần bỏ vào ống bài để cho Hiệu bốc thăm, một phần đem phân phát cho 9 chòi.
Trong bài chòi, tên con bài đôi khi được gọi khác. Như trong pho Văn: Nhất Gối thì gọi là Chín Gối, Nhì Bánh tức là Hai Bánh rồi đảo ngược gọi là Bánh Hai, Ngũ Rốn gọi trại Ngũ Rún hay gọi khác là Ngũ Ruột, Tám Miểng gọi trại là Tám Miếu. Trong pho VẠN: Tứ Ghế còn gọi là Tứ Móc hoặc Tứ Cẳng, Ngũ Trượt là Ngũ Trật hay Ngũ Trợt, Lục Trạng gọi là Lục Chạng. Trong pho SÁCH: Tứ Sách gọi là Tứ Gióng, Ngũ Dụm thành Ngũ Dít, Bảy Thưa là Bảy Hột.
THỂ THỨC CUỘC CHƠI
Một hội bài chòi, ngoài số người đến đánh bài và thân nhân của họ, còn có số người đến xem, có thể lên đến vài trăm người. Một đám hát trống, người xem thường có mặt từ lúc dạo tuồng đến khi vãn tuồng. Nhưng ở bài chòi, người xem có thể đến rồi ra về bất cứ lúc nào tùy thích, và không có lệ bán vé vào xem.
Muốn đánh bài chòi người ta phải báo cho ban tổ chức biết để sắp xếp ở hội kế tiếp. Người đến xem không cần xin phép ai cả, cú chen vào đứng dọc theo các chòi và rạp, làm thành một vòng bao quanh sân khấu. Mỗi ngày cuộc chơi kéo dài từ sáng tới khuya. Giờ ăn chỉ nghỉ ngơi chốc lát. Ở đám bài chòi, lúc nào cũng có tiếng kèn trống, âm thanh rộn rã vang xa, lôi cuốn thúc dục:
"Rủ nhau đi đánh bài chòi
Ðể cho con khóc đến lòi rún (rốn) ra".
Trống chầu một hồi ba tiếng rống lên, giàn nhạc tiếp theo phụ họa, cuộc chơi bắt đầu. Những người tham gia leo ngồi trên chòi, do ban tổ chức sắp xếp. Người đánh bài có thể rủ bạn bè, thân nhân hay người tình lên ngồi trong chòi của mình. Ban Hiệu ra sân, thường thì một nam một nữ, nếu thêm một người nữa để thay bài thì càng tốt. Hiệu hô bài mặc áo dài đen, đội khăn đóng, thắt dây lưng đỏ, mặt đánh phấn thoa son, có khi hóa trang như là đào kép hát bội. Hiệu bưng khay đến từng chòi thu tiền và phát bài. Người ngồi trên chòi nhận bài, đem găm ở khúc chuối hay bó rơm để sẵng trên chòi. Phát bài xong, Hiệu đến trước rạp vái chào ban tổ chức rồi hô lớn: "Phát bài đã đủ cho Hiệu tính tiền". Người điều khiển cho cuộc chơi đáp lại bằng ba tiếng trống chầu. Hiệu cúi đầu: "Dạ!"
Trống lệnh đã cho phép. Hiệu hai tay ôm lấy ống đựng thẻ lắc mạnh nhiều lần. Khi các con bài đã trộn lẫn vào nhau, Hiệu vói tay rút một con bài. Mọi người hồi hộp chờ đợi tên con bài đang nằm trong tay Hiệu. Lúc ấy tiếng trống chầu thúc liên hồi, dàn nhạc cũng dồn dập tưng bừng, kích thích lòng mong đợi của mọi người. Nhưng Hiệu chưa vội đọc tên con bài. Anh ta múa may, vái chào mọi người rồi mới cất giọng hô điệu bài chòi bằng hai câu thơ hay cả bài lục bát tùy thích. Có điều câu cuối bao giờ cũng có chữ chỉ định tên con bài vừa mới rút được. Chẳng hạn tên con bài là Ngũ Trượt thì hô:
"Trời mưa làm ướt sân đình
Anh đi cho khéo trợt ình xuống đây
Trợt quơi (ơi), Ngũ Trợt!"
Tức thì chòi có bài trùng với con bài ấy đáp lại bằng ba tiếng mõ "cốc, cốc, cốc!". Nếu là chòi trung ương trúng thì đánh ba tiếng trống "tum tum tum!". Hiệu trao thẻ bài cho người chạy bài đem đến chòi trúng. Con bài ấy được găm vào khúc chuối cây hay bó rơm trên chòi. Hiệu lại tiếp tục lắc ống rồi rút con bài khác. Và cũng theo thủ tục hô bài như đã nói trên. Ban đầu trong ống có 27 thẻ bài, nhưng bớt dần theo mỗi lần rút thẻ cho đến khi có một chòi nào trúng được ba lần, tức là bài đã tới thì mới chấm dứt ván bài. Khi Hiệu hô xong con bài, nếu có chòi trúng lần thứ ba thì báo hiệu bài tới bằng một hồi mõ dài (chòi trung ương thì báo một hồi trống tum), lúc ấy, ở rạp ban tổ chức, một hồi trống chầu được gióng lên, báo hiệu xong một ván bài.
Hiệu bưng khay tiền và một lá cờ đuôi nheo đến tận chòi có bài tới. Cờ đuôi nheo còn gọi là cờ hiệu, có hình tam giác vuông, màu đỏ bằng giấy. Trên cờ viết số thứ tự ván bài, từ đệ nhất, đệ nhị đến đệ bát. Hiệu đứng trước chòi có bài tới trịnh trọng thưa:
-Vâng lệnh làng lãnh lấy khay tiền. Hiệu (tui) khẩn cấp điện cờ Ðệ nhất.
Theo lệ, chòi có bài tới, muốn lịch sự phải thưởng tiền cho Hiệu, nhiều ít là do tài diễn xuất của Hiệu. Vì thế, khi dâng khay tiền, Hiệu phải trổ tài múa những động tác đẹp mắt, miệng thì ngâm thơ, hát Nam, hát Khách. Nếu gặp người tới có máu văn nghệ, hỏi đố bằng thơ, Hiệu cũng phải biết đáp bằng thơ. Chẳng hạn như câu hỏi đố:
"Cái gì có trái không hoa?
Cái gì không rễ cho ta tìm tòi?
Cái gì vừa thơm vừa tho?
Kẻ yêu người chuộng, kẻ dò tình nhân?
Cái gì mà chẳng có chân?
Cái gì không vú xây vần lắm con?
Cái gì vừa trơn vừa tròn,
Mười hai tháng chẵn không mòn chút nao?
Cái gì mà ở trên cao?
Làm mưa làm gió làm sao được vầy?
Cái gì mà ở trên cây?
Trèo lên tụt xuống khen ai là tài?
Cái gì chỉ có một tai?
Cái gì một mặt cái gì ngẳng lưng?
Cái gì anh gảy từng tưng..."
Nếu không lanh trí, có tài ứng đối, thuộc nhiều ca dao, câu đố... Hiệu khó mà vượt qua nổi. Hiệu nhanh nhẩu đáp ngay:
"Cây súng có trái không hoa
Tơ hồng không rễ cho ta tìm tòi
Quế ăn vừa thơm vừa tho
Kẻ yêu người chuộng, kẻ dò tình nhân
Cái ốc ma không có chân
Con gà không vú xây vần lắm con
Sợi chỉ vừa trơn vừa tròn
Mười hai tháng chẵn chẳng mòn chút nao
Ông trời mà ở trên cao
Làm mưa làm gió làm sao được vầy
Con vượn mà ở trên cây
Trèo lên trợt xuống khen ai là tài
Cối xay đậu có một tai
Trống mảng một mặt, mâm bồng ngẳng lưng
Ðàn bầu anh gảy từng tưng..."
Hiệu vừa đáp xong, người chủ chòi trúng khoái quá, đổ cả khay tiền xuống thưởng. Các chòi thua cuộc, chẳng buồn việc ăn thua, vẫn ném tiền xuống thưởng tài nghệ của Hiệu, người đứng xem cũng hùa theo, vãi tiền vào sân như bươm bướm lượn. Màn thưởng thức xem chừng đã mãn. Trống chầu của ban tổ chức vang lên một hồi ba tiếng, báo hiệu cuộc chơi cho ván kế tiếp. Người chạy bài đi thu con bài ở các chòi đem bỏ vào ống thăm chuẩn bị. Người xem chỉ cần nhìn cây cờ đuôi nheo cắm ở chòi trúng có đề số thứ tự thì biết hội bài này đã chơi đến ván thứ mấy.
Thời gian cho một ván bài không chừng, tùy sự may rủi của việc bốc bài. Nhanh nhất, bốc ba lần đã thấy bài tới. Còn chậm nhất phải bốc đến lần thứ 19. Ngoài ra còn tùy thuộc vào việc hô bài của Hiệu. Nếu hô những bài dài thì chiếm nhiều thời gian. Vì vậy Hiệu thường hô những câu thai chỉ có hai hoặc bốn câu lục bát. Thỉnh thoảng mới chen một bài dài hoặc bài có tính hài hước để thay đổi không khí, tránh sự nhàm chán. Chẳng hạn như câu thai của con bài Bạch Huệ chọc cười dưới đây:
"Con vợ tui tốt tợ tiên sa
Coi trong thiên hạ ai mà dám beng (bì, sánh)
Lưng khòm rồi lại da đen
Còn hai con mắt tợ khoen trống chầu
Giò cao đít lớn to đầu
Lại thêm cái mặt cô sầu bắt ghê
Việc làm trăm việc tui chê
Chỉ thương có chút... ... ... ... ... ... ... "
Những câu thai thường có sẵn, Hiệu phải thuộc lòng hàng trăm câu. Cũng có khi Hiệu phải sáng tác hoặc chắp nối, ráp câu nọ với câu kia, miễn sao câu thai nói lên được tên con bài Hiệu vừa mới bốc. Ðể tăng sự hấp dẫn, khi hô Hiệu phải diễn tả bằng điệu bộ, nét mặt, giọng nói như một diễn viên hát bội rành nghề.
Nội dung câu thai cũng luôn thay đổi. Chẳng hạn ván thứ nhất, gặp con bài Nhì Nghèo, Hiệu hô:
"Chắp tay với chẳng tới kèo
Cha mẹ anh nghèo chẳng cưới được em!"
Ván thứ hai, nếu gặp lại con bài đó, Hiệu hô câu thai có nội dung khác:
"Cây khô tưới nước cũng khô
Vận nghèo đi tới xứ mô cũng nghèo".
Ván thứ ba Hiệu đổi khác:
"Nhiều quan thêm khổ thằng dân
Nhiều giàu thì lại chết trân thằng nghèo".
Ván thứ tư lại khác:
"Thấy anh em cũng muốn theo
Chỉ sợ anh nghèo anh bán em đi".
Ván thứ năm khác nữa:
"Buồn từ trong dạ buồn ra
Buồn anh ở bạc, buồn cha mẹ nghèo"
Ván thứ sáu, vẫn còn nhiều câu khác nữa:
"Ngày thường thiếu áo thiếu cơm
Ðêm nằm không chiếu lấy rơm làm giường
Dù dơi, dép bướm chật đường
Màn loan gối phượng ai thương thằng nghèo"
Ngoài ra tên con bài cũng được gọi trại đi hoặc đổi khác để ứng vào một câu thơ hoặc câu ca dao nào đó.
Gọi khác chữ, chẳng hạn Bảy Thưa thành Bảy Hột. Gặp cái bài này, Hiệu xử dụng một trong hai câu thơ sau đây làm câu thai:
"Ước gì em chửa có chồng
Anh về thưa với cha mẹ mang rượu nồng đón em".
hoặc:
"Còn duyên mua thị bán hồng
Hết duyên buôn mít cho chồng gặm xơ
Gặm xơ rồi lại gặm cùi
Có ba bảy hột để lùi cho con".
Nói trại, chẳng hạn Ngũ Rốn thành Ngũ Rún rồi thành Ngũ Ruột:
"Rủ nhau đi đánh bài chòi
Ðể cho con khóc đến lòi rún (rốn) ra"
hay:
"Thò tay vào ngắt ngọn ngò
Thương em đứt ruột, giả đò ngó lơ".
Suy diễn, từ Ngũ Dụm thành Ngũ Dít:
"Một cây làm chẳng nên non
Ba cây dụm lại thành hòn núi cao".
Có khi dùng câu đố làm câu thai. Trường hợp này thì nội dung của câu đố đã diễn tả tên con bài nên câu chót không cần phải trùng chữ với tên con bài nữa. Chẳng hạn gặp con bài Ba Gà, Hiệu có thể hô câu thai:
"Mình vàng vận áo mã tiên
Ngày ba bốn vợ tối nằm riêng một mình"
Có trường hợp không cần nêu tên con bài mà chỉ giải nghĩa đầy đủ là được. Gặp con bài Thái Tử, có thể dùng câu:
"Thuyền ai thấp thoáng bên bờ
Hay thuyền ông Lữ đợi chờ con vua".
Ðôi khi Hiệu dùng câu thai hình tượng để suy diễn ý nghĩa con bài Tứ Cẳng (còn gọi là Tứ Ghế hay Tứ Móc):
"Một hai bận nói rằng không
Dấu chân ai đứng bờ sông hai người".
Thỉnh thoảng còn dùng những câu thai mơ hồ, người xem khó đoán được tên con bài Nhì Bánh mà Hiệu đang nắm trong tay:
"Biết rằng ai có mong ai
Sao trời lại nỡ xé hai thế này
Có sao hôm mà chẳng có sao mai
Hai đàng hai đứa tình phai hoa tàn".
Cũng có lúc, cả bốn câu đều nhắc đến tên con bài. Gặp con bài Chín Cu thì câu thai sau đây điển hình cho trường hợp này:
"Tiếc công bỏ mẩn cho cu
Cu ăn, cu lớn, cu gù, cu bay
Cu say mũ cả áo dài
Cu chê nhà khó phụ hoài duyên anh!"
Còn như gặp những câu thai nêu trọn vẹn tên con bài thì Hiệu không bao giờ bỏ qua cơ hội. Chẳng hạn như con bài Ba Bụng mà dùng câu thai sau đây thì tuyệt:
"Xét ra cho kỹ sự đời
Ba người ba bụng không ai thời giống ai".
Khi bài tới ván thứ tám thì xong một hội. Lẽ ra phải chín ván vì có chín chòi đóng tiền, nhưng phải dành tiền ván thứ chín để ban tổ chức chi phí cuộc chơi và trả tiền công cho gánh bài chòi. Vậy khi vãn một hội thì ban tổ chức được một khoản tiền bằng số tiền cáp của một chòi, và cứ xong một hội thì ít nhất cũng phải có một chòi thua. Xong một hội, trống chầu vang lên một hồi rất dài. Ban nhạc cũng tạm nghỉ giải lao, chuẩn bị cho hội khác. Người đánh bài nếu muốn chơi tiếp thì vẫn ngồi trên chòi của mình, bằng không thì xuống, để chòi trống cho người khác lên thay.
CÂU THAI TRONG BỘ BÀI CHÒI
Như đã nói trên, một bộ bài chòi có 27 con bài. Mỗi tên con bài Hiệu phải dùng một câu thai và nội dung câu thai phải luôn luôn thay đổi khi gặp lại con bài cũ.
1.- Câu Thai Các Con Bài Trong Kho VĂN:
Nhất Gối, nhưng thường gọi là Chín Gối:
"Ðêm nằm gối gấm không êm
Gối lụa không mềm bằng gối tay em".
Nhì Bánh:
"Bánh bèo trục lúc không tai
Bánh in to hột, dện hoài đổ ra".
Ba Bụng:
"Gió sao gió mát sau lưng
Bụng sao bụng nhớ người dưng thế này".
Tứ Tượng:
"Ai đi ngoài ngõ ào ào
Hay là ông tượng đạp rào ổng vô?"
Ngũ Ruột:
"Bởi vì chai rượu Bạch Liên
Mai dong điềm chỉ tới miền nhà em
Cũng vì chai rượu gói nem
Mà cha mẹ đã gả em đi rồi
Còn gì than thở anh ơi
Chỉ thêm đau ruột, em có chồng rồi, biết sao!"
Sáu Xướng:
"Hồi nào đói rách có qua
Bây giờ nên xưởng nên nhà lại lơ".
Bảy Liễu:
"Biết đâu mà đợi mà chờ
Tấm thân liễu yếu đào tơ gió lồng".
Tám Miểng:
"Văn chương đựng không đầy lá mít
Võ thì đá khổng bể nổi miểng sành
Nghe vua treo bảng cũng xòng xành ra thi
Bảng đề không biết chữ chi
Mài nghiên múa bút có khi hết ngày".
Chín Cu:
"Sự đời có bốn cái ngu
Mai dong, hứng nợ, rập cu, cầm chầu".
2.- Câu Thai Các Con Bài Trong Kho Vạn:
Nhất Trò:
"Không ngon cũng bánh lá gai
Dù anh có dại cũng trai học trò".
Nhì Bí:
"Bình Ðịnh có núi Vọng Phu
Có đầm Thị Nại, có cù lao Xanh
Em về Bình Ðịnh cùng anh
Ðược ăn bí đỏ nấu canh nước dừa".
Tam Quăng:
"Anh đang viết liễn trong đình
Nghe em, chồng hỏi, giật mình quăng nghiên".
Tứ Móc:
"Lòng thương chị bán thịt heo
Hai vai gánh nặng còn đèo móc cân".
Ngũ Trợt:
"Bớ chị em ơi! đi chợ
Chợ nào bằng chợ Gò Chàm
Tôm tươi cá trụng thịt bò thịt heo
Còn thêm bánh đúc bánh xèo
Bánh khô bánh nổ bánh bèo liên u
Những con cá chép cá thu
Cá ngừ cá nục cá chù thiệt ngon
Ngó ra ngoài chợ
Nẫu bán thịt phay
Nem tươi chả lụa
Rượu trà no say
Ngó ra ngoài chợ
Vẫn bán tranh cày
Roi mây, lưỡi cuốc
Nẫu bày nghinh ngang
Ngó ra ngoài chợ
Nẫu bán sàn sàn
Khoai lang, bắp đỗ
Ðục, chàng, kéo, dao...
Xem ra chẳng sót hàng nào
Quảng Nam, Quảng Ngãi cũng vào đây mua ...
Lại còn những món bánh khô
Xem đi xét lại nhiều đồ lắm thay
Những còn hàng giép hàng giày
Nón ngựa nón chóp bán rày liên thiên
Lại còn những món nhiều tiền
Cà rá, hột đá, dây chuyền, dầu thơm...
Song thần An Thái
Dừa trái Tam Quan
Ðường cát Dương An
Ðĩa bàn nội phủ
Kể đủ hàng hoa...
Cà dê, cà dĩa, cà chình
Ơ¨t ngà, ớt bị, ớt sừng, ớt cay
Rau răm, rau húng
Bầu thúng, cà tây
Mua bán bạc cây
Những người hàng xén
Mấy chú rón rén
Ăn cắp thiệt lanh
Mấy chú gian manh
Là anh trùm chợ
Buôn mọi bán rợ
Mấy chú An Khê
Ở trển đem về
Xấp trần nài rể
Dễ mua dễ bán
Bánh tráng, kẹo cà
Xoa xoa, đậu hũ
Mè xửng , bánh canh
Dạo hết xung quanh
Hành ngò, cúc cải
Dây dừa, dầu rái
Kẹo đỗ, kẹo dừa
Mấy chị ngủ trưa
Nẫu mua trợt lớt".
Lục Trạng:
"Bậu khoe giỏi, sao chẳng chịu đi thi
Cứ ăn xó bếp, ngủ thì chuồng trâu
Bậu ơi tôi chẳng ưng đâu
Trạng gì như thế có hầu cũng uổng công".
Thất Vung:
"Ngó lên hòn núi chóp vung
Thấy bảy cô gái cùng chung một nhà".
Bát Bồng:
"Chầu rày đã có trăng non
Ðể tôi lên xuống có con em bồng!"
Cửu Chùa:
"Con vua thì được làm vua
Con sãi ở chùa phải quét lá đa".
3.- Câu Thai Các Con Bài Trong Pho SÁCH:
Nhứt Nọc:
"Ðò em đưa rước bộ hành
Thuyền nan một chiếc tử sanh trọn bề
Trải qua bãi hạc, gành nghê
Quanh năm chèo chống, tứ bề sóng xô
Tiếng ai văng vẳng gọi đò
Mau mau nhổ nọc chèo qua đón người".
Nhì Nghèo:
"Dầu mà hai ngả phân ly
Mình ơi, hãy nhớ hồi khi còn nghèo".
Ba Gà:
"Khôn ngoan đối đáp người ngoài
Gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau".
Tứ Sách:
"Gió đưa trăng thì trăng đưa gió
Quạt nọ đưa đèn, đèn có đưa ai
Trăm năm đá nát vàng phai
Ðá nát mặc đá, vàng phai mặc vàng
Trông cho én nhạn một lòng
Lồng đèn thiếp xách, mâm tơ hồng chàng bưng".
Ngũ Dụm:
"Một cây làm chẳng nên non
Ba cây dụm lại thành hòn núi cao".
Sáu Hường:
"Nghĩ duyên lận đận mà buồn
Thương nhau vàng võ, má hường kém tươi".
Bảy Thưa:
"Ðừng ham nón tốt dột mưa
Ðừng ham người tốt mã mà thưa chuyện nhà"
Tám Dây:
"Ví dầu cha đánh mẹ treo
Ðứt dây té xuống cũng theo tới cùng"
Cửu Ðiều:
"Huỳnh Kim có bến Tân An
Có lầu Thông Nhẫn lập đàn bán buôn
Trước kia đường vắng hơn truông
Bây giờ trong bán ngoài buôn đầy tràn
Trong nhà dệt nhiễu thêu hàng
Trong sân thợ nhuộm, ngoài đàng xe hơi
Khen cho ông Nhẫn đủ đời
Lụa hàng cấp giá nơi nơi cũng điều"
4.- Câu Thai Các Con Bài Trong Cặp YÊU:
Ông Ầm:
"Vai mang bị bạc kè kè
Nói bậy nói bạ nẫu nghe ầm ầm".
Thái Tử:
"Thuyền dời nhưng dạ chẳng dời
Khăng khăng một lời: quân tử nhất ngôn".
Bạch Huê:
"Cũng vì duyên nợ ba sinh
Sáng trăng câu hát huê tình mà theo"
SỰ CẢI TIẾN VÀ BIẾN THỂ CỦA BÀI CHÒI
Hội bài chòi là một trò chơi dân gian, mang tính văn nghệ quần chúng. Tiền thân của bài chòi là sự liên lạc nhau giữa các chòi canh trên nương rẫy. Và bài chòi được hình thành và hoàn chỉnh ở đồng bằng. Thể thức chơi vẫn giữ nét độc đáo nguyên thủy, ngồi trên những chiếc chòi, nên gọi là bài chòi truyền thống.
Bài chòi truyền thống cũng chia làm hai giai đoạn: Hiệu hô những câu ca dao ngắn, nội dung không liên quan gì đến con bài, miễn sao có chữ đồng âm với tên con bài là được; thời kỳ này gọi là bài chòi tạp. Dần dần có xen nhiều những câu thai do nghệ nhân đặt ra hoặc do Hiệu ứng chế có nội dung ăn khớp với tên con bài, như câu Nhứt Nọc dưới đây; thời kỳ này gọi là bài chòi câu.
"Tay cầm sào chống lái
Mắt liếc bãi lều tranh
Ở đây đưa rước bộ hành
Thuyền nan một chiếc tử sanh trọn bề
Trải qua bãi bạc gành nghê
Tứ mùa chèo chống đôi bề sóng xao
Thú vui ngang dọc một sào
Ngồi trong tịnh viện kẻ gào người kêu
Tiếng ai văng vẳng kêu đò
Mau mau nhổ nọc chèo qua rước người".
Sau này vì sự giản tiện, có vài nơi phá lệ cất chòi vẫn dùng 9 cái ghế thay cho 9 chiếc chòi và thể thức vẫn như cũ. Khuyết điểm của bài chòi ghế là không thể thay thế hết được chức năng của chòi nên kém phần sôi nổi, giảm sự hào hứng của người chơi bài và cả người xem. Từ hình thức bài chòi ghế, những năm đầu thế kỷ 20, có một số nghệ nhân mạnh dạn tách khỏi mô hình truyền thống để kiến tạo một lối mới gọi là bài chòi chiếu. Ðặc tính của bài chòi này không phụ thuộc vào thời vụ. Nghĩa là tổ chức lúc nào cũng được, không cần phải đợi dịp Tết Nguyên Ðán. Bài chòi chiếu cũng không có chòi. Sân khấu vẫn còn trệt nhưng đã được giới hạn trong phạm vi chiếu rải. Bài chòi chiếu cũng không còn độc diễn của Hiệu mà đã phân vai nhân vật (2 hay 3 diễn viên) nhưng còn đơn giản, chủ yếu là giọng ca mùi mẫn diễn những lớp trong các truyện tuồng như Lưu Kim Ðính, Phàn Lê Huê, Nguyệt Nga, Lục Vân Tiên... Tuy vậy, sự trình diễn chỉ để giải trí và nêu tên con bài ở những câu thơ cuối lớp, chứ chưa đủ trình độ kết cấu nghệ thuật để trở thành mục diễn, nên người ta gọi là bài chòi lớp.
Một biến cố lớn trong bộ môn bài chòi là sự ra đời của bài chòi truyện.
Vào giữa năm 1933, hai nghệ sĩ sáng lập gồm Bốn Trang (tức Phan Ðình Lang người xã Nhơn Thành, An Nhơn) và Ba Nhỏ (tức Ba Huợt người xã Cát Sơn, Phù Cát) cùng với sự cộng tác của Tư Liên (Ðỗ Liên), Năm Oanh (Mỹ Chánh, Phù Mỹ) và nhiều nghệ nhân khác; lần đầu tiên trình diễn bài chòi truyện trên sân khấu sàn gỗ tại chợ An Lương xã Mỹ Chánh huyện Phù Mỹ. Ðây là lần thử nghiệm, không tránh khỏi nhiều trở ngại, nhưng nói chung vẫn gặt hái những kết quả khích lệ. Bài chòi truyện hoàn toàn dứt bỏ thể thức chơi bài truyền thống, mạnh dạn bước lên sàn sân khấu có đầy đủ phông màn. Nghệ sĩ được chọn sắm vai thích hợp với nhân vật, có hóa trang, có sự nhập vai, diễn xuất các động tác theo qui luật ước lệ và cách điệu. Làn điệu cũng phát triển để phù hợp tình cảm của mỗi nhân vật. Ngoài điệu cố hữu là hô bài chòi và điệu hát chủ đạo là Xuân Nữ (có sức gợi cảm), còn có điệu cổ bản, nói lối, Hồ quảng, xàng xê, hát Nam, hát Khách, tẩu mã, lý thượng... Về âm nhạc ngoài đờn cò, kèn, sanh, trống còn có đàn nguyệt để tạo âm non âm già phù hợp với làn điệu mới. Về trình diễn, diễn viên có thể cương vài chi tiết nhưng không được đi quá xa hoặc phản lại đề tài. Về y phục và đạo cụ cần sắm đủ các loại để trang bị thích hợp từng nhân vật. Về ánh sáng có trụ đèn lồng thắp dầu, về sau có đèn măng sông.
Dịp Tết Giáp Tuất (1934) gánh bài chòi của ông Bốn Trang và Ba Nhỏ kiện toàn đội ngũ lập thành đoàn hát Tân Xuân đến lưu diễn ở thị trấn Gò Bồi (phủ Tuy Phước). Nhờ rút tỉa kinh nghiệm, lần này được khán giả đón nhận nồng nhiệt và bán vé thu được một số tiền lớn.
MỘT THỜI CỰC THỊNH
Ðánh dấu sự thành công của gánh hát Tân Xuân, nhiều nghệ nhân đầu tư vào việc lập gánh hát bài chòi chuyên nghiệp. Ðoàn lớn thì diễn tuồng truyện trên sân khấu hiện đại, đoàn cỡ trung thì diễn lớp trên sân khấu trệt trải chiếu, đoàn nhỏ thì hô bài theo lối truyền thống trên sân đất.
Từ năm 1933 đến năm 1945 tỉnh Bình Ðịnh có trên 10 gánh hát bài chòi nổi tiếng. Các đoàn hát như Tân Xuân của Bốn Trang, Long Vân Bang của Tư Miệt, Ý Chung của Phan Ðình Chi chuyên lưu diễn ở khắp các tỉnh từ Bình Ðịnh, Phú Yên, Khánh Hòa, Phan Rang, Phan Thiết đến Di Linh (Lâm Ðồng). Các đoàn khác như gánh Năm Oanh (An Lương, Phù Mỹ), gánh Ông Dần (Hoài Nhơn), Chính Oanh (Kiến Hàng, An Nhơn), Sáu Sơn (Nhạn Tháp, An Nhơn), Ông Lợi (Phước Nghĩa, Tuy Phước), gánh Ðồng Ấu của Ðinh Thảo và Bốn Dân...
Ðội ngũ diễn viên của bộ môn bài chòi cũng khá hùng hậu, không những nhiều kép nổi tiếng như Ba Huợt, Ba Sinh, Bốn Que (tức Bốn Trang), Tư Liên, Tư Miệt, Năm Oanh, Mười Vạn, Kim Kích... mà còn có nhiều khuôn mặt nữ tài hoa "một thời vang bóng" như đào Nhảy và Dần (Hoài Nhơn), đào Trang và Ðài (An Thái, An Nhơn), đào Sanh và Ðồng (Phước Sơn, Tuy Phước), đào Bình (Phú Tài, Tuy Phước), đào Chung và Liệu (Qui Nhơn), đào Giàu, Ba Danh... Lớp diễn viên mầm non có Văn Bá, Ðinh Thị Bích Hải, Nguyễn Thị Hường, Lê Quí, Ðinh Thái Sơn... đều phát triển tài năng trước tuổi. Về âm nhạc cũng có những nghệ sĩ xuất thần như Tám Kèn (tức Nguyễn Hoài Ân), Văn Bá Anh (Mỹ Chánh, Phù Mỹ), Lưu Hạnh (An Nhơn), Nguyễn Mới, Sáu Hoạch... Về kịch bản xuất hiện nhiều tác giả soạn bài chòi truyện như: Trương Ân, Năm Oanh, Sáu Cóc với những vở ca kịch nổi tiếng như Phạm Công Cúc Hoa, Thoại Khanh Châu Tuấn, Tam Hạ Nam Ðường, Lưu Bình Dương Lễ, Quan Công Phục Huê Dung, Lý Ân Lang Châu...
Trong thời kỳ này ba thể hình bài chòi đều thịnh hành và không cạnh tranh lấn áp nhau. Bài chòi truyện có một chỗ đứng ở sân khấu phông màn, có rạp che chắn, lưu diễn ở các thị tứ, người xem phải mua vé. Bài chòi lớp tìm đất sống trên sân khấu chiếu khắp các làng mạc miền quê. Bài chòi truyền thống vẫn nở rộ mỗi dịp xuân về.
THÚ TIÊU KHIỂN TRONG BÀI CHÒI
Bản chất bài chòi là trò chơi bài của dân gian xen với ca múa do tài anh Hiệu ứng chế đồng thời có sự cộng tác, đối thoại một cách tự nhiên giữa người hô và người tham gia cuộc chơi. Nếu đưa bài chòi lên sân khấu có phông màn tức là xóa bỏ cuộc chơi, bài chòi truyện trở nên hụt hẫng, cần bù đắp vào các điều kiện sau đây mới tạo được không khí hấp dẫn: Sự tích truyện tuy có gay cấn nhưng có hậu mới thỏa mãn người xem. Kịch bản cần cải tiến mới tránh khỏi sự tẻ nhạt nhưng không làm đứt mạch truyền thống, trong đó chất liệu bài chòi phải chiếm tỷ lệ cao, nếu không sẽ bị đồng hóa với các môn nghệ thuật khác, làm thất vọng khán giả.
Thời ấy có thành ngữ "gánh hát xà bần" để chỉ trích những gánh bài chòi diễn trò hổ lốn đã đưa hát bội, cải lương, chèo, Hồ quảng chen vào quá nửa. Ngoài ra bài chòi truyện cần có đạo diễn thành thạo, tài diễn xuất của nhân vật và giọng ca đúng điệu. Sau nữa, cách trang trí, lối trang phục và sự điều chỉnh ánh sáng rất cần thiết, làm nổi bật cảnh sắc trên sân khấu. Nhưng bài chòi truyền thống, không cần những điều kiện trên, chỉ cần một anh Hiệu tài hoa là đủ rối và tự nó đã đi vào lòng dân tộc nên có sức lôi cuốn " Rủ nhau đi đánh bài chòi, để cho con khóc đến lòi rún ra" (Ca dao). Bởi thế, những người khắt khe lại cho rằng: chơi bài chòi là đánh bạc vì sử dụng bộ bài tới, có cáp tiền và có sự ăn thua nên mới hấp dẫn như vậy. Xin thưa "không", chơi bài chòi không mang tính cách sát phạt của sòng bài, những người có máu cờ bạc không lấy gì làm thích thú ở cuộc chơi này. Trong lịch sử bài chòi, chưa có ai khuynh gia bại sản vì đam mê trò chơi này, và cũng chưa thấy ai giàu có vì trúng mánh bài chòi.
Ở bài chòi, ngoài việc thử thời vận, bói hên xui vào dịp đâu năm, người ta còn tìm đến bài chòi để mua vui qua giọng hô, tài ứng đối và lối diễn trò của Hiệu. Vì vậy, đánh bài chòi là một thú tiêu khiển, một hình thức vui chơi nhẹ nhàng, tao nhã, ít tốn kém. Một hội chơi dân gian đã trở thành tập tục vào dịp đầu xuân, mang tính chất khuyến khích sáng tác và duy trì thi ca bình dân.
Ở các tỉnh miền nam Trung phần, nhất là Bình Ðịnh ngày nay còn lưu lại rất nhiều ca dao qua lối chơi này, đóng góp không nhỏ vào kho tàng văn chương bình dân của nước nhà. Tiếc rằng hội bài chòi và trò chơi truyền thống của nó từ sau năm 1945 đã mai một dần, đến nay hầu như mất hẳn...
ÐÀO ÐỨC CHƯƠNG
Về Hội An nghe Hát Hội Bài Chòi
youtube.com

Thứ Sáu, 2 tháng 3, 2018

Nghề Dệt cổ truyền quê tôi

Nghề Dệt cổ truyền quê tôi

nghedet1.jpg

Ai đã có lần ghé qua vùng quê Bảo An - Xuân Đài (nay thuộc xã Điện Quang, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), thì thế nào cũng được nghe câu hát “chua” đầy ẩn ý mỉa mai, mà thực ra không phải như vậy:

“Tiếng đồn con gái Bảo An,
khéo mua vải sợi về đan mành mành”.

Mãnh vải có đến nổi sưa như tấm mành mành, mà người ta dùng để ngăn chận bầy gà nhảy vào bươi chải vồng cải, luống rau hay không?

Không đâu! Đó là lối khen tặng hơn là chê bai. Các cô gái thợ dệt ở làng Bảo An khéo tay lắm đó. Mặt vải khi vừa mới dệt sưa rích. Nhưng sau khi đem hồ và ghè đập, sợi chỉ sẽ mềm ra nhuyển mượt trông rất đẹp mắt. Khách mà lựa chọn thấy vừa ý liền, không còn do dự chút nào. 
Vào thời xưa kia, nghề dệt vải và lụa ở quê tôi thuộc phạm vi trong một gia đình riêng rẻ, lẻ loi. Nghề dệt được truyền lại từ đời nầy qua đời nọ. Làm sao quên được hình ảnh thân yêu, khi mọi người quây quần cùng nhau làm việc dưới cùng một mái nhà đầm ấm sum vầy: Cha ngồi bên xa quây vải, cần mẫn quây sợi vào ống. Mẹ trên khung cửi nhịp nhàng đưa thoi, hòa hợp cùng với tiếng kêu cót két của con ác. Chị thì suốt chỉ không ngừng tay. Và em giúp mẹ nhặt chiếc thoi rơi, đôi khi còn chạy vào bếp lấy thanh củi cháy, cho cha mồi điếu thuốc. Thật là một hình ảnh sinh động trong một gia đình đầm ấm, sum vầy. Nơi đây hoài bảo của người viết, không ngoài mục đích truy nhớ đến công ơn của Tổ Tiên, đã giàu công truyền dạy nghề dệt cổ truyền ở quê mình. 

Các vùng đất tốt, thịt hay cát pha vùng Quảng Huế, Phú Bò, Bảo An, Bàn Lãnh, Đông Bàn… thường thấy người ta gieo trồng cây bông vải. Cây bông vải là một loại cây kỷ nghệ, trồng để lấy sợi dệt vải, đáp ứng nhu cầu may mặc cho con người: mát da về mùa hạ, giữ ấm về mùa đông lạnh lẽo, gió bấc mưa phùn, lụt lội triền đến mấy tháng liền.

Mùa xuân khí hậu mát mẻ, rất thích hợp cho cây bông vải phát triển đơm bông kết trái, để đến đầu mùa hạ trái nở rộ, phơi màu trắng xóa trên các cánh đồng rộng thênh thang. Chuẩn bị cho mùa gieo cây bông rất chu đáo: cày bừa cho đất nhuyển thục, sạch sẽ cỏ dại và sau đó mới rải phân tro đầy đủ. Sau đó người ta bắt đầu lên thành từng luống, chừa rãnh để thoát nước giữ cho cây bông không bị chết ngập. Hạt giống để gieo cũng lo chuẩn bị trước, ngâm nước nóng hâm hẩm qua đêm, ngày hôm sau vớt ra cho vào tro chà xát để tách rời từng hạt, không dính chùm với nhau dễ dàng vải đều trên mặt đất. Một tuần lễ sau cây bông con mọc nhô lên, lúc ban đầu có hai lá yếm trông xinh xắn như chiếc dù nhỏ xíu. Đợi cho cây bông con lớn đôi chút, người ta nhổ tỉa bớt, chừa cây nọ cách cây kia xa nhau 3 tấc. Sau vài ba lần săn sóc cuốc cỏ, tém đất vun gốc, từ từ cây bông dần dà lớn lên, nẫy sinh nhiều nhánh con và cao không quá đầu gối bắt đầu ra hoa, nhìn vào đám cây bông cũng đủ màu sắc: trắng, vàng, tím, rất đẹp mắt, không thua kém loại hoa trồng kiểng bao nhiêu. Khi hoa tàn rụi, trái bông non lộ ra bên trong cuống, lần hồi lớn dần lên và lớn hết cở to bằng quả cau điếc. Sát cuống là đài hoa có bốn tai ôm sát trái bông, đến khi già bốn tép bông nở tung ra phơi bày một màu trắng tinh, mượt mà, mềm mại. Đến mùa hái bông, người ta ra đồng từ tờ mờ sáng tinh sương, khi đó đài bông còn ướt, không bị gãy dính vào múi bông rất khó gỡ ra khi lặt bông. Cây bông ra trái từng đợt, trái nào nở người ta mới hái, mỗi lần vài ba trái, lần cuối cùng trái nhỏ dần và lúc nầy thân cây cũng tàn rụi, thu nhặt gánh về phơi khô dùng làm củi, nấu bếp cũng hữu dụng.
    Bông trái thu về, gỡ lấy múi bông ra khỏi đài và đem phơi nắng cho thật khô. Dùng xa cán để loại bỏ hết hạt, trước khi qua giai đoạn làm tơi gọi là bắn bông. Người ta dùng một cành cung, làm bằng gỗ thật dẻo căng bởi sợi dây cung tre vót tròn, hai đầu dún lại để cột vào hai đầu cành cung. Công việc bắn bông làm như thế nầy: bỏ một số lượng bông vừa đủ lên mặt bàn, tay trái cầm cành cung đưa dí dây cung vào mớ bông đó, tay phải cầm một thẻ tre mõng đánh bật vào dây cung liên hồi, nghe bưng bực, bưng bực… khi nào thấy nhã bông đã toe toét, phồng lên như có thể bay lên được mới thôi. Ngắt lấy một ít bông bắn xong, bỏ trải dài trên mặt bàn, đặt lên đó chiếc đủa làm nòng và xe tròn thành con cúi mập nõn nà. Có được con cúi sẽ kéo thành sợi qua chiếc xa kéo vải.

Đế xa gồm hai thanh gỗ ghép hình chữ T, chỗ giao điểm dựng lên một trụ đứng cao 4 tấc, nơi đây gắn một vành xa có thể quây chạy vòng tròn. Đầu chân chữ T cũng dựng lên một trụ khác bề cao 2 tấc, trên đầu trụ lắp một trục nằm ngang, trục nầy quây tròn được nhờ bộ phận dây trân, nối chuyền từ vành xa tới rãnh mương của trục. Đầu trục còn lại cắm vào đoạn kèo dù, đầu nhọn đưa ra bên ngoài gọi là con quay. Từ đầu con quay, người ta vê con cúi lấy ra mối chỉ và tra vào đầu con quay, bắt đầu kéo vải. Dùng tay phải quây vành xa, đồng thời trục con quay cũng quây theo, tay trái cầm con cúi từ từ kéo ra, dài tới đâu trục con quay đánh săn tới đó. Khi đã kéo ra hết tầm tay, đưa cánh tay lên cao và quây vào trục thành hình búp chuối, đầu nhọn bên ngoài. Cứ thế mà kéo ra quây vào, hết con cúi nầy nối con cúi khác cho đến khi đầy một búp chỉ no tròn. Công việc kéo vải, thường dành phần cho trẻ con, hay đàn bà con gái. Tuy vậy, phải có tay nghề giỏi, mới kéo được sợi chỉ trơn tru nhỏ đều hân hấn, bán chạy đắt hàng. Có được búp chỉ rồi đem sang thành chẻ vải, gọi là vải bạch còn bở lắm, phải được ngâm nước lạnh một hai đêm (nước ngâm vải thối lắm). Sau đó giặt xả sạch sẽ, trải từng chẻ vải ra và rắt cơm gạo trắng đã ngâm nước vào, bỏ mớ chẻ vải đó lên miếng đá bằng phẳng, dùng đôi bàn chân đạp nghiền cơm nát bấn, thấm săn quánh vào sợi chỉ trở nên bền chắt hơn. Đến đây người ta lồng hai cánh tay vào chẻ vải, giựt giựt cho từng sợi vải rời ra, rồi đem móc vào cây sào phơi khô ngoài trời nắng. Chẻ vải khô rồi đem cài vào cuồn, đặt lên chiếc quạng và từ đó dùng xa quay để quây thành ống vải múp rụp, hai đầu không bằng nhau, làm như thế khi đặt ống vải thẳng đứng, sợi chỉ kéo lên trơn tru dễ dàng. Khi đủ số lượng ống vải cần thiết, tiếp theo là công việc mắc cửi. Vị trí mắc cửi phải có độ dài 10 – 15 – 20 thước, người ta thường mắc cửi ngoài trời hơn là trong nhà không đủ chiều dài. Ở đầu nầy người ta đặt một bàn cọc, có một số cây cọc con cần thiết, đóng thành hai dãy song song, cây nọ cách cây kia 1 tấc. Các cây cọc đó dùng để giữ cho các ống vải khỏi bị nhào ngã, khi mắc cửi. Bên trên bàn cọc đặt một cây quyết bắt ngang trên cao vừa tầm người vớ, cây quyết có nhiều lỗ khoen do sợi mây cám xỏ ngoằn ngoèo, uốn cong mà thành. Bên cạnh bàn cọc xa khoảng 5 tấc, đặt thêm một bàn lược có một hàng dọc cây chực con đều nhau cách khoảng  8 phân, bàn lược giữ chặt nhờ hai cây cọc đóng ở hai đầu. Ngang hàng bàn lược nầy đóng thêm hai cây chực thầy thật to và trơn tru, dùng để móc chùm canh chỉ vào đó khi bắt nhịp, cài lông mốt âm dương. Đầu đàng kia, tùy theo khoảng cách ấn định, đặt thêm một bàn lược nữa, giống như bàn lược trước và cũng phải giữ cố định bất di dịch. Khởi sự công việc mắc cửi, người thợ chính lần lượt kéo hai sợi chỉ canh từ ống vải lên, một sợi ở hàng cọc phía trước và một sợi ở hàng cọc phía sau nối lại với nhau, xỏ qua một lỗ cây quyết. Sau khi nối xong các mối chỉ như thế, đem tất cả móc vào cây chực con đầu tiên ở bên phải của bàn lược, tiếp tục kéo chùm chỉ dài ra, trao cho người phụ kéo dài đến bàn lược đầu đàng kia, cũng khởi đầu móc vào bên phải. Khi thấy người phụ mắc xong, người thợ chính tiếp tục móc chùm chỉ vào cây chực con kế tiếp và cũng trao cho người phụ làm công việc như trên, cho đến khi nào hết tất cả các cây chực con trên bàn lược. Tới đây dùng mực hay lá mướp vò nát, bôi vào canh chỉ tại tất cả cây chực con, việc đánh dấu nầy sẽ giúp cho người thợ dệt biết chừng đủ độ dài của cây vải sau nầy (dấu nầy nằm bên biên khổ vải). Đến đây là lúc bắt nhịp đi trở lại, gài âm dương. Người thợ chính dùng ngón tay trỏ phải lần lượt bắt ngoéo tréo các sợi canh chỉ, từ phải qua trái, đem móc vào cây chực thầy đóng ở bên cạnh, kéo chùm canh chỉ đi trở lại theo hình số 8 hở, không để nhập lộn vào đường đi tới, nhờ có cây chực thầy đóng ở phía sau phân tách ra. Tất cả những lần đi trở lại, nên nhớ móc ngược chiều với lần đi tới. Công việc lặp đi lặp lại cho đến khi nào đủ số canh chỉ cho khổ vải (khoảng 5 tấc) và chấm dứt ở cây chực con đầu tiên. Mỗi lần móc qua cây chực thầy, người thợ móc trải dài từ dưới lên trên, nhờ thế sẽ dễ dàng xỏ khổ sau nầy. Khi nào thấy đủ khổ vải rồi, người ta lấy chùm canh chỉ ở cây chực con đầu tiên ra, lồng vào cây tiến rồi tra vào một chiếc xa quây có cuồn thật lớn, lần lượt quây hết phần canh chỉ vừa mắc xong vào xa, khóa thăng gài để đó chuẩn bị xỏ chỉ vào khổ. Dựng một cái khổ thẳng đứng gần cây chực thầy, bắt đầu cắt sợi chỉ ra, xỏ từng sợi chỉ qua khe khổ liền nhau nhờ cái lông nhím, và nối lại với nhau, lồng vào cây nẹp bằng tre để giữ lại. Xâu chỉ xong nhỗ cây chực thầy phía trước, thay cây chực thầy phía sau bằng miếng nẹp khác gọi là cái tiến, giữ phần âm dương. Đem cây nẹp gài vào trục cửi, trải đều mặt canh chỉ ra trên trục và đặt lên bộ giàn quây khác, bắt đầu công việc chải cửi. Người thợ cũng dùng cái lông nhím, để tách rời các sợi chỉ dính chùm lại với nhau, vừa chải vừa đẩy cái khổ di chuyển đi trước, theo sau cây tiến trong suốt thời gian chải cửi. Chải xong đoạn nào quây trục quấn vào, vì hai bên triên thường hay bị dùn nên chi người ta phải dùng lá đa hay lá mù u phơi khô, xấp gấp đôi để lót chằng, giữ cho trục cửi thẳng đều. Tiếp theo chuẩn bị bắt go. Bộ go gồm hai lá, mỗi lá go được làm bằng hai thanh tre nhỏ dài lối chừng 7 tấc, và sợi chỉ go thật dài dùng để thắt vào thẻ tre thành những dãy khoen, có độ dài 10 phân, đặt cho hai dãy khoen nầy giao nhau 6 phân (đây là độ hả để chiếc thoi chui lọt qua). Xen kẻ cách khoảng những khoen 10 phân, còn có những khoen 7 phân, những khoen nầy có từng đôi nối chuyền với nhau và không dùng xỏ sợi chỉ qua, như thế khi treo lá go lên có độ dài 14 phân. Treo bộ go vào cái giá và đặt sát trục cửi để bắt go. Hai người ngồi đối diện nhau, ở giữa là truc cửi và bộ go. Khởi sự, người ngồi bên trục cửi cắt đứt các đầu mối chỉ, tách riêng hai phần canh chỉ  âm dương ra nhờ cây tiến đã đặt từ trước. Người ngồi phía bộ go, dùng ngón tay trỏ phải, móc qua hai khoen go dưới và trên của lá go phía trước, chờ tiếp nhận một sợi chỉ ở phần âm từ bên trái của trục cửi, do người kia đưa cho. Kế tiếp người bắt go cũng làm như vậy ở lá go phía sau, bắt lấy một sợi chỉ ở phần dương. Cứ như thế lần hồi cho đến hết sợi canh chỉ cuối cùng. Sau khi bắt go xong, xỏ lại từng mối chỉ qua khe của cái khổ trở lại, nối các mối chỉ lại với nhau, chờ đưa lên khung cửi để dệt thành vải.
Khung cửi dệt có hình dáng như chiếc giường chiếc, đóng bằng gỗ cây mít tốt nhất, hai cặp chân trước cao hơn hai cặp chân sau. Ở về vị trí 1/3 phía trước của cặp thanh, dựng lên hai cây trụ cao 5 tấc, trên đầu cặp trụ nầy bắt qua một cây đòn trơn tru, để đở mặt canh giăng qua. Một hệ thống xy lanh ở phía trước nối liền với dãy khổ nhờ cặp giăng. Nhờ có hệ thống nầy mà dãy khổ có thể di động, nâng lên và dập xuống theo sự điều khiển của người thợ dệt. Phần trước khung cửi đặt trục cửi có thể quây được, phần sau cũng là chỗ ngồi dệt, gần chỗ ngồi về phía trước mặt có trục quấng vải dệt ra. Ngay chỗ ngồi, dưới chân có hai bàn đạp, có thể chuyển động tại đầu gót chân, tựa vào cây nòng sắt xỏ xuyên qua. Đầu mũi của hai bàn đạp có khoan lỗ sẵn, nối chuyền bằng 4 sợi dây lên bộ go. Trên đầu người ngồi, lắp ở đó một con ác bằng gỗ, có thể mổ xuống và ngất lên, theo nhịp đạp của hai bàn chân và cũng nối chuyền bằng 4 sợi dây từ bộ go lên đầu và đuôi con  ác. Người ta mang trục cửi đặt lên khung, kéo khổ canh căng qua đòn đở thẳng tới trục quấng, tra chiếc khổ vào dãy khổ, và móc bộ go vào chân bàn đạp thẳng đến con ác, tuần tự như sau: Phần dưới lá go phía trước móc chuyền đến bàn đạp bên phải, phần trên móc chuyền đến đầu mõ con ác. Phần dưới lá go phía sau móc chuyền đến bàn đạp bên trái, phần trên móc chuyền đến đuôi con ác. Đến đây căng néo bộ go cho thật thẳng để độ hả nhịp mới được chính xác, không bị vướng sợi canh chỉ khi dệt. Khi bắt đầu dệt, người thợ dùng bàn tay trái chống đở dãy khổ lên, tay phải cầm chiếc thoi, đạp bàn chân phải xuống, tức thì lá go phía trước kéo tất cả phần âm xuống, lúc nầy con ác chỗng đuôi lên, kéo theo phần dương của lá go phía sau lên, tạo ra độ hả nhịp để chiếc thoi được phóng qua từ tay phải, tay trái bắt lấy thoi đồng thời tay phải diều cho dãy khổ dập xuống. Tiếp theo tay phải chống đở dãy khổ, tay trái giữ lấy chiếc thoi, đạp bàn chân trái xuống, lá go phía sau kéo phần âm xuống, con ác ngất mõ lên, lá go phía trước kéo theo phần dương lên, tay trái phóng thoi qua trở lại, tay phải bắt lấy thoi, đồng thời tay trái diều cho dãy khổ dập xuống. Các động tác cứ thế mà lặp đi lặp lại, theo sự điều hợp nhịp nhàng giữa chân, tay và mắt của người thợ dệt, ròng rã suốt ngày đêm. Ngoài ra cũng còn vài công việc phụ như: cái suốt chỉ phải ngâm vào nước, vớt ra vắt cho ráo mới tra vào chiếc thoi để dệt, thỉnh thoảng còn dùng gùi vải ướt, thoa đều lên mặt khổ vải đang dệt, giữ cho mặt vải khỏi bị sượng nhăn nheo, và bên dưới còn có cặp giăng hình cung luôn luôn gài vào. Cây vải tháo ra từ trục, người ta còn phải phun hồ và cuộn tròn vào cây trục, xong rồi đặt trục vải lên miếng đá bằng phẳng, hai vợ chồng ngồi ở hai bên, mỗi người trên tay cầm chày, vừa đập vừa lăn tròn đều tay, tạo nên mặt vải dày mịn, mượt mà… Hàng vải dệt ra giữ nguyên màu trắng, hoặc nhuộm thành màu đen hay đà còn tùy thuộc vào giới tiêu thụ ưa thích. Cũng có thể dệt thành vải sọc dọc, rằn ca rô cũng không mấy khó khăn, bằng cách đặt xen kẻ ống chỉ màu vào giữa ống chỉ trắng, trong lúc mắc cửi và thay đổi chiếc thoi có suốt chỉ khác màu. Vải dệt như trên ở quê tôi gọi là vải ta, mặc rất mát dễ rút mồ hôi, khi làm việc nơi đồng áng, ruộng nương… Nhưng có điều bở lắm, mau rách và cũng không được đẹp cho mấy.  


Và đến đây xin mời trở về quê tôi qua hàng tơ lụa, có giá trị bền chắc nhiều hơn: “Sắc bùa là sắc bùa âu, năm ni năm mới trồng dâu để tằm. Sắc bùa là sắc bùa nằm, năm ni năm mới nuôi tằm ươm tơ. Sắc bùa… “. Đó là câu mở đầu chúc đầu xuân ngày tết, mà đoàn sắc bùa đi đến từng nhà, chúc cho gia chủ trúng mí tằm, làm ăn phát đạt thịnh vượng. Bởi vì nghề trồng dâu nuôi tằm ở thôn quê, nếu gặp thời vận thì có thể tạo thêm trâu bò, sửa sang nhà cửa khang trang, đẹp đẽ hơn: “Làm ruộng ba năm, không bằng trúng tằm một mí”. Nghề “để” tằm có lợi dữ như thế đó!
Vùng đất trồng cây dâu thích hợp nhất, thường dọc theo hai bên bờ sông. Các biền dâu Quảng Đợi, Giao Thủy, Mỹ Lược, Bến Đền…ngọn cao vút, lá xanh non mượt là nguồn làm thức ăn nuôi tằm thích hợp nhất. Hể nhà nông nào có nhà cửa rộng rãi, thoáng mát thì có thể dựng buồng nuôi tằm. 
Buồng nuôi tằm bao gồm một cái đuổi, đóng bằng gốc tre hay bằng gỗ, hình thức chỉ là cái kệ có nhiều tầng. Mỗi tầng đơn sơ chỉ võn vẹn hai cây thanh ngang và hai cây thanh dọc, nâng đở từng chiếc nong tằm trên đó. Bao che quanh đuổi bằng cái mùng vải thật rộng lớn, nhằm mục đích ngăn chận bầy ruồi lằn ưa sà vào cắn chích, gây bệnh cho con tằm có những chấm đen, sau nầy không làm được kén tốt. Gây giống bằng cách, người ta chọn lựa toàn những con kén giống cứng no tròn, bỏ vào giỏ dâu, gài nắp cẩn thận đem cất giữ nơi cao ráo, mát mẻ. Kén giống sau 3 ngày sẽ lộn thành nhộng, múp đầu múp đuôi. Đời sống của nhộng trong vòng 7 ngày sẽ hóa thành bướm. Bướm dùng miệng cắn quanh một vòng tròn ở đầu kén, để chui ra ngoài. Đây cũng là một đặc điểm sinh tồn tự nhiên, chứ thực ra cái kén rất dai và bền vô cùng, dùng con dao bén ngọt mà cắt vỏ cũng khó đứt. Bướm sinh ra màu trắng ngà, thân mình đầy lông măng và dính đầy phấn. Chúng nó có đôi cánh nhỏ, không bay được, chỉ bò quanh quẩn trong cái trẹt, nhịp nhịp đôi cánh xê dịch gần xa để tìm nhau đực cái thụ tinh. Khi nào thấy bướm cái đã đạt được mục đích, người ta lựa riêng bướm cái ra, đem bỏ vào cái trẹt có lót giấy mềm mỏng dễ hút nước, thường dùng giấy viết chữ Nho tốt nhất. Bầy bướm cái bò lui, bò tới hay lòng vòng đẻ từng dãy trứng dính liền với nhau trên mặt giấy. Người ta cuộn tròn mặt có trứng vào bên trong, cột dây lại và treo trên trần nhà, đề phòng chuột, thằn lằn phá hại. Bảy ngày sau, trứng bướm nở ra tằm con nhỏ li ti, màu đen xam xám, mình mẫy có nhiều lông con nho nhỏ. Dùng cái lông gà quét phủi hết tằm con vào chiếc nia, bắt đầu săn sóc trông nom từng giờ, cả ngày lẫn đêm. Lúc đầu tằm chỉ ăn được lá dâu non, xắt nhỏ như sợi thuốc rê, mỗi lần cho ăn người ta rải đều lá dâu xắt phủ kín lên mình tằm, bắt được mùi lá dâu, tằm con đua nhau ăn rất nhanh, xong rồi nằm nghỉ và lại ngẩn đầu lên chờ ăn đợt kế tiếp… Mỗi ngày cần làm phân cho tằm 2 lần, bằng cách cuốn lớp mặt có cả tằm lẫn một ít lá dâu lấy ra, chừa lại phần phân hạt tròn nhỏ xíu cùng lá dâu thừa bên dưới. Dùng chiếc nia khác mà sang tằm qua, tiếp tục cho ăn đến ngày thứ 4, tằm không ăn nữa và ngủ liền trong 24 giờ. Đây là thời kỳ tằm con thay da và rụng hết lông con. Tằm thức dậy, tiếp tục cho ăn lá dâu xắt lớn hơn, trong vòng 7 ngày nữa, tằm lại ngủ trở lại 24 giờ. Thời kỳ nầy gọi là tằm ăn mốt, con tằm lớn dần to bằng ruột cây viết chì. Tằm ăn hai thức dậy, có thể ăn nguyên lá dâu, cho ăn tiếp tục 2 ngày ½ nữa, tằm lại ngủ trở lại cũng 24 giờ.
Tằm ăn ba, bây giờ tằm ăn được lá dâu già hơn, cho ăn như thế trong vòng 3 ngày nữa, tằm lại thôi ăn và ngủ tiếp 24 giờ. Sau thời kỳ ăn ba, cho tằm ăn cả cọng dâu cũng được. Nhìn vào nong tằm, thấy chúng nó ăn rất nhanh và khỏe, ghé tai gần nong tằm nghe được rõ ràng tiếng tằm ăn rào rạo. Bởi lẽ đó, nhà nuôi tằm thường trầm trồ, khen lấy khen để: “ăn như tằm ăn lên”. Sướng mắt quá! Mỗi lần lên tuổi, tằm lớn lên thấy rất rõ, biến dần màu trắng ngà, người ta phải phân chia, sang ra thành nhiều nong, tránh được tình trạng nục, chật chội làm tằm chậm lớn và sinh bệnh. Lúc nầy là lúc nhà nuôi tằm bận rộn nhất, nào lo chạy hái cho đủ số lá dâu cung ứng, suốt trong 7 ngày ròng rã của giai đoạn chót: “trăm dâu, đổ đầu tằm”, nào lo cậy mượn hàng xóm chuẩn bị làm bủa, và nhất là thao thức trông chờ thành quả, mí tằm không phải đem đổ đi vì mắc bệnh. Vất vả như thế, cho nên người ta mới nói rằng: “làm ruộng ăn cơm nằm, làm tằm ăn cơn đứng”. 
Trước hai ngày chín rộ, nhìn vào nong tằm thấy lác đác có một ít con tằm chớm ướm vàng, gọi là Tin (báo hiệu). Đến ngày cuối cùng, tất cả nong tằm chín ửng vàng, óng ánh chất tơ bên trong bụng vàng khè. Cả loạt lớn đều một lứa, to bằng cây bút chì và dài lối 3 phân tây. Tằm chín sẽ làm ra cái kén trên tấm bủa. Người ta dùng hom dâu hay cây rang núi phơi khô giũ sạch lá, đem sắp thành hai lớp bỏ ngang bao bọc một lớp bỏ dọc ở giữa. Thêm vào đó còn có nhiều cây róng dọc cột nẹp lại với nhau, giữ cho tấm bủa được cứng cáp. Bủa còn có một đòn khiêng ở giữa, để dễ di chuyển vì cũng khá nặng. Đặt tấm bủa nằm nghiêng 45 độ, ngoài trời hanh nắng nhờ có cặp nạng chống ở hai đầu. Người ta đem số tằm chín rải đều lên trên mặt của bủa, tằm bắt đầu nhả tơ xấu ra trước để gầy tổ bên ngoài và tiếp tục nhả tơ tốt làm tổ cho đến khi hết tơ trong bụng là xong tổ kén. Đôi khi trời nắng nóng quá, người ta phải di chuyển tấm bủa vào chỗ có bóng mát, tránh tình trạng tằm chết vì cháy nắng, ngược lại về chiều trời mát phải dùng nồi lửa than vùi tro, đặt phía dưới tấm bủa gây thêm hơi nóng, thúc giục con tằm làm kén mau hơn. Suốt ngày canh chừng lũ chèo bẽo, chim khách hay bầy gà thừa cơ sà xuống ăn càn. Chiều tối, khi nào thấy tằm trên bủa làm kén đến con cuối cùng, người ta xúm nhau khiêng hết các tấm bủa về nhà, nhặt gỡ lấy từng cái kén ra, bỏ dồn tất cả vào cái nong đặt trên cặp ghế ngựa dài, ngay giữa nhà. Bạn hàng đi mua kén (còn gọi đi hốt kén) xem xét lựa chọn loại kén nặng nhẹ, dày mỏng, tốt xấu mà trả giá cao thấp tùy theo từng loại. Kén hốt về phải đợi sau 3 ngày, tằm lộn thành nhộng, mới đem ươm lấy tơ, và còn được ăn con nhộng tươi ngon lành.

                                                                        
Muốn dệt lụa cần phải có tơ, công việc cũng không đơn giản đâu? Trước khi ươm tơ, công việc đầu tiên là kéo thao càng, thao kiệt. Đó là loại tơ xấu con tằm nhả ra trước tiên, lớp trong ¾ là loại tơ tốt nhất, óng ánh màu vàng tươi, hơi hơi đỏ tuyệt đẹp. Một hỏa lò đắp nổi đun vừa nóng hẩm nồi nước, khiến cho những cái kén nhả tơ ra dễ dàng. Bên cạnh lò đóng một cây cọc mà trên đầu có gắn một trục chỉ, làm trục quay kéo từng sợi chỉ thao đi qua. Tay phải người thợ cầm đôi đũa canh, tìm vớt lên một vài mối chỉ của cái kén rồi kéo lên móc vòng qua trục chỉ, tay trái dùng hai ngón trỏ và cái nắm lấy mối chỉ lôi lên từ từ, bỏ vào chiếc mũng trẹt, lớp nọ chồng lên lớp kia. Đôi đũa canh luôn luôn canh chừng, không cho cái kén chạy lên khỏi mặt nước và dính chùm lại với nhau. Cứ thế mà kéo hết phần xấu bên ngoài ra, đến lớp tốt dừng lại vớt ra ngoài, chuẩn bị cho phần việc ươm tơ. Phần sợi kéo ra từ lớp bên ngoài, sợi cứng thô kịch gọi là thao càng, dùng để dệt trủ đứng cá trong mùa nước lụt.
Phần sợi kế tiếp có phần mềm hơn, màu vàng nhạt gọi là thao kiệt, loại sợi nầy dệt thành hàng thông dụng, may quần đùi áo cánh, bền hết sức. Sau nầy còn dùng dệt hàng tuýt xo, may âu phục cũng thịnh hành một thời. Lò ươm tơ đặt ngay trong nhà ở, hay căn trại cất riêng tùy theo thuận tiện của mỗi gia đình. Lò đắp nổi bằng đất sét trộn rơm khô, bao bọc cái nồi ươm bằng đất thật to, miệng rộng đến 5 tấc. Cửa lò đắp loe ra, nhô lên cao để giảm hơi lửa nóng và nhất là tránh khói cho người thợ ngồi ươm tơ. Một chiếc xa ươm đặt sát bên lò, đóng bằng gỗ hình thức như cái củi đựng chén bát, xa ươm có hệ thống lan đều sợi tơ trên cuồn xa, nhờ có trục hình trụ đường kính 10 phân bề cao 15 phân dựng đứng, quây tròn cùng một lúc với trục bằng sợi dây trân nối chuyền. Cuồn xa được gắn từ trục nằm ngang, có 5 cánh xa chữ T cố định và một cánh chữ T có thể tháo ra được, khi cần tháo nén tơ ra khỏi cuồn. Đầu trục có gắn tay quây để quây cuồn xa chạy vòng tròn liên hồi. Cung cấp đủ số kén cho một lò ươm, phải cần vài ba người kéo sợi thao từ trước, chuẩn bị đầy đủ cho một lò ươm. Một người đàn bà ngồi trên chiếc ghế vuông thấp, trên tay cầm đôi đũa canh, bắt lên 3 mối tơ (mỗi mối tơ do vài ba con kén nhả sợi tơ nhập lại) xỏ qua 3 cái lỗ có hình dạng như đồng tiền, tiện bằng gỗ, nằm trên hệ thống xa ươm, sát bên trên miệng nồi ươm. Tiếp đến nối chuyền đến khoen lỗ cây lan can của hệ thống, thẳng tới cuồn xa. Một người con trai sử dụng cả hai bàn tay, đánh tới, kéo lui trên tay quây để cuồn xa quây tròn đều đều một tốc độ, 3 mối tơ chạy lên và lan đều trên cuồn thành 3 nén tơ. Quang cảnh thật vui nhộn với tiếng xa ươm nghe rè rè, xình xịch, hòa lẫn với tiếng hát hò khoan, đượm tình quê hương trong cảnh thanh bình, thịnh vượng. Đến trưa hay chiều tối mới xả một lần, vớt nhộng ra và thay nước mới. 
Ở miền quê món nhộng chiên mặn ăn với cơm rất thông dụng, quen thuộc mọi nhà, và món nhộng trộn với búp chuối sứ xắt nhỏ, hay tép bòng, xúc bánh tráng nướng là món thổ sản địa phương, ăn ngon miệng và mát dạ, mọi người đều ưa thich. Một số con nhộng lẫn trong mớ tằm nín, không tróc lớp vỏ bọc bên ngoài, bu dính chùm trong mớ xác xả, đem nấu bỏ muối mặn cho teo lại, các bà, các cô gỡ ra từng con, ăn ghiền còn hơn lể ốc gạo rất nhiều. Sợi tơ ươm ra cũng dệt giống như dệt vải. Nhưng là loại hàng sang trọng, màu vàng nhạt láng mượt rất thanh nhã, trông rất đẹp mắt và bền chắc lắm đó. Tuy nhiên, hàng tơ lụa không mấy thông dụng ở vùng thôn quê, vì thuộc loại hàng sang, đắt tiền, nên chỉ bán được cho giới giàu có, hoặc bán ra nước ngoài thu lợi nhuận nhiều hơn.
Ngày nay trên quê hương, không còn thấy một chiếc khung cửi cổ điển thô sơ nào nữa, nghề dệt cổ truyền mất hẳn. Thay vào đó, hàng loạt khung cửi máy ra đời, chiếm mọi ưu thế. Hàng vải, lụa, dệt ra vừa nhanh lại vừa đẹp và bền chắc dài lâu. Thỏa mãn nhu cầu đòi hỏi của giới tiêu thụ, và được ưa chuộng nhiều hơn. Còn đâu hình ảnh sinh hoạt linh động trìu mến ngày xưa: từ khi thấy người ta gieo trồng cây bông vải, cho tới khi dệt thành khổ vải đem may mặc, và cách thức người ta trồng dâu nuôi tằm, cho đến khi ươm tơ, dệt lụa… 

Tất cả đã lùi về quá khứ xa vời. Ôi! Chỉ còn lại kỷ niệm trong ký ức nhạt nhòa, và luyến tiếc một thời xa xưa, ăn sâu trong tiềm thức dĩ vãng đầy mến thương.
                                                                
 Đoàn Ngọc Nam